Các địa danh nào được in trên đồng tiền Việt Nam? Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức vận chuyển tiền ở những địa điểm nào?
Các địa danh được in trên đồng tiền Việt Nam?
Đồng tiền Việt Nam bao gồm tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành, là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, tiền Việt Nam có các mệnh giá sau:
- Tiền giấy: 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng
- Tiền kim loại: 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng.
Dưới đây là danh sách các địa danh được in trên các mệnh giá tiền Việt Nam hiện hành:
[1] Tờ tiền 500 đồng
Trên tờ tiền 500 đồng là cả một khu cảng Hải Phòng. Cảng Hải Phòng được hình thành từ năm 1874 phục vụ ý đồ khai thác thuộc địa của Thực dân Pháp.
[2] Tờ tiền 1.000 đồng
Tờ tiền 1.000 đồng đầu tiên được phát hành ngày 20/10/1989 và vẫn có giá trị sử dụng cho đến nay.
Mặt sau của tờ 1.000 đồng được in cảnh khai thác gỗ và vận chuyển gỗ bằng voi, một phương thức phổ biến tại Tây Nguyên ở thế kỷ XX.
[3] Tờ tiền 2.000 đồng
Tờ tiền 2.000 đồng đầu tiên được phát hành cùng ngày với tờ 1.000 đồng, vào ngày 20/10/1989. Mặt sau của tờ tiền này được in hình xưởng dệt tại Nhà máy Dệt Nam Định, trong đó có 3 nữ công nhân đang làm việc.
[4] Tờ tiền 5.000 đồng
Tờ tiền 5.000 đồng được phát hành ngày 15/01/1993. Mặt sau của tờ tiền này được in hình ảnh phong cảnh thủy điện Trị An (thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
[5] Tờ tiền 10.000 đồng
Năm 2006, Ngân hàng Nhà nước thay thế tờ 10.000 đồng bằng chất liệu polymer. Trên tờ giấy bạc này có cảnh khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ.
Bạch Hổ thuộc bồn trầm tích Cửu Long, nằm ở vị trí Đông Nam, cách bờ biển Vũng Tàu 145km
[6] Tờ tiền 20.000 đồng
Tờ 20.000 đồng chất liệu polymer phát hành ngày 17/05/2006, mặt sau in hình Chùa Cầu, Hội An, Quảng Nam. Cây cầu cổ ở Hội An còn được gọi là cầu Nhật Bản do được xây dựng bởi các thương nhân Nhật Bản.
[7] Tờ tiền 50.000 đồng
Tờ giấy bạc 50.000 đồng được phát hành 17/12/2003 và là tờ tiền polymer đầu tiên. Mặt sau của tờ tiền là phong cảnh Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu ở thành phố Huế.
[8] Tờ tiền 100.000 đồng
Tờ giấy bạc polymer 100.000 đồng được phát hành ngày 01/09/2004, in hình Khuê Văn Các, biểu trưng của Văn miếu - Quốc Tử giám. Khuê Văn Các được xây vào năm 1805.
[9] Tờ tiền 200.000 đồng
Hòn Đỉnh Hương thuộc quần thể Vịnh Hạ Long được chọn in trên tờ polymer 200.000 đồng ngay khi ra mắt tờ tiền này vào ngày 30/08/2006.
[10] Tờ tiền 500.000 đồng
Tờ tiền 500.000 đồng được phát hành ngày 17/12/2003, là tờ tiền có mệnh giá lớn nhất hiện nay ở Việt Nam. Phong cảnh nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Sen, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An được dùng in trên tờ tiền 500.000 đồng này.
Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo!
Các địa danh được in trên đồng tiền Việt Nam? Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức vận chuyển tiền ở những địa điểm nào? (Hình từ Internet)
Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức vận chuyển tiền ở những địa điểm nào?
Căn cứ Điều 16 Nghị định 40/2012/NĐ-CP quy định phạm vi, trách nhiệm tổ chức vận chuyển:
Điều 16. Phạm vi, trách nhiệm tổ chức vận chuyển
1. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức vận chuyển tiền, tài sản quý và giấy tờ có giá:
a) Từ các cơ sở in, đúc tiền, sân bay, bến cảng, nhà ga về các kho tiền trung ương và ngược lại;
b) Giữa các kho tiền trung ương;
c) Giữa các kho tiền trung ương với các kho tiền Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố;
d) Giữa các kho tiền Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức vận chuyển tiền, tài sản quý và giấy tờ có giá thuộc tài sản do mình quản lý, giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với nhau và giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức vận chuyển tiền ở những địa điểm sau:
- Từ các cơ sở in, đúc tiền, sân bay, bến cảng, nhà ga về các kho tiền trung ương và ngược lại;
- Giữa các kho tiền trung ương;
- Giữa các kho tiền trung ương với các kho tiền Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố;
- Giữa các kho tiền Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.
Việc vận chuyển tiền trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước trên nguyên tắc nào?
Căn cứ Điều 17 Nghị định 40/2012/NĐ-CP quy định việc vận chuyển tiền trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
- Phải có lệnh điều chuyển của cấp có thẩm quyền;
- Vận chuyển bằng xe chuyên dùng hoặc phương tiện vận chuyển khác bảo đảm an toàn.
- Bố trí đủ nhân lực áp tải, bảo vệ trong các chuyến vận chuyển.
- Giữ bí mật kế hoạch và quá trình vận chuyển.
- Tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá khi vận chuyển phải được đóng gói, niêm phong và được bảo quản an toàn.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.