Văn bằng bảo hộ là gì? Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ trong trường hợp nào?
Văn bằng bảo hộ là gì?
Căn cứ khoản 25 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định về văn bằng bảo hộ như sau:
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
25. Văn bằng bảo hộ là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quyền đối với giống cây trồng.
...
Như vậy, văn bằng bảo hộ là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân với mục đích xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quyền đối với giống cây trồng của tổ chức, cá nhân đó.
Văn bằng bảo hộ sẽ ghi nhận chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và cả đối tượng, phạm vi, thời hạn bảo hộ.
Riêng đối với văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì sẽ ghi nhận tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tính chất đặc thù về điều kiện địa lý và khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý.
Văn bằng bảo hộ là gì? Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về hủy bỏ văn bằng bảo hộ.
Theo đó, văn bằng bảo hộ sẽ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Hủy bỏ toàn bộ hiệu lực:
+ Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu;
+ Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế;
+ Đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra từ nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen có trong đơn đó.
- Hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực nếu toàn bộ hoặc một phần văn bằng bảo hộ đó không đáp ứng quy định thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được người có quyền đăng ký chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu;
+ Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ;
+ Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký trong đơn;
+ Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;
+ Sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký;
+ Sáng chế không đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên;
Lưu ý: Các quy định nêu trên cũng được áp dụng đối với việc hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp.
Văn bằng bảo hộ có hiệu lực bao lâu?
Căn cứ Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 bổ sung bởi khoản 29 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về hiệu lực của văn bằng bảo hộ.
Theo đó, tùy vào loại văn bằng bảo hộ mà sẽ có thời gian hiệu lực khác nhau, cụ thể như sau:
- Bằng độc quyền sáng chế: từ ngày cấp đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn.
- Bằng độc quyền giải pháp hữu ích: Từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn.
- Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp: Từ ngày cấp đến hết 05 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm.
- Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn: từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:
+ Kết thúc 10 năm kể từ ngày nộp đơn;
+ Kết thúc 10 năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;
+ Kết thúc 15 năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: Từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.
- Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý: hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.
- Đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư và Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam: tính theo quy định của Nghị định thư và Thỏa ước Madrid.
- Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam: tính theo quy định của Thỏa ước La Hay.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn cách viết CV, hồ sơ xin việc mới nhất năm 2025? Trọn bộ hồ sơ xin việc mới nhất năm 2025?
- Lời chúc phụ huynh dành cho cô giáo mầm non ngày 20 11 ý nghĩa?
- Cung cầu là gì? Mối quan hệ cung cầu như thế nào? Vai trò của cung cầu là gì?
- Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hiện nay?
- Thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá được quy định như thế nào?