Thiện nguyện khác gì với từ thiện? Làm thiện nguyện nhiều có giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người vi phạm lần đầu?
Thiện nguyện là gì? Thiện nguyện khác gì với từ thiện?
Làm thiện nguyện là hành động tự nguyện và không có lợi ích về mặt tài chính hay vật chất, thực hiện với tâm huyết và ý chí giúp đỡ người khác hoặc cộng đồng. Hoạt động thiện nguyện thường được thực hiện với tinh thần tự nguyện, không ép buộc, và mang lại giá trị lớn cho cả người thực hiện và cộng đồng xung quanh.
Thiện nguyện có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như:
- Hỗ trợ vật chất: Đóng góp tiền, hiện vật, thực phẩm,... cho các tổ chức từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
- Hỗ trợ tinh thần: Tặng quà, thăm hỏi, động viên,... cho những người gặp khó khăn, bệnh tật,...
- Tham gia các hoạt động cộng đồng: Tham gia các hoạt động tình nguyện như dọn dẹp vệ sinh môi trường, xây dựng nhà tình nghĩa,...
Thiện nguyện khác gì với từ thiện:
Thiện nguyện và từ thiện là hai khái niệm có liên quan, nhưng không hoàn toàn giống nhau. Thiện nguyện là hành động tự nguyện, không nhận bất kỳ phần thưởng nào, mà chỉ vì lợi ích của người khác. Từ thiện là hành động quyên góp tiền, tài sản, hoặc dịch vụ cho một tổ chức, cá nhân, hoặc nhóm người nào đó.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Thiện nguyện khác gì với từ thiện? Làm thiện nguyện nhiều có giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người vi phạm lần đầu? (Hình từ Internet)
Làm thiện nguyện nhiều có giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người vi phạm lần đầu?
Căn cứ theo Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
...
Theo đó, cần phải xác định cụ thể hai yếu tố sau đây:
Thứ nhất:
Trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không có tình tiết làm thiện nguyện nhiều. Cho nên, việc làm thiện nguyện nhiều không đương nhiên được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Trừ trường hợp Tòa án coi đây là một tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Thứ hai:
Tòa án chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” khi có đủ hai yếu tố là “phạm tội lần đầu” và “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.
Như vậy, trong trường hợp người phạm tội tích cực làm thiện nguyện nhiều và mới phạm tội lần đầu chưa đủ căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Việc xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cần dựa vào hai yếu tố là “phạm tội lần đầu” và “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” , nếu đáp ứng điều kiện này thì người phạm tội sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Các hành vi nào bị nghiêm cấm khi doanh nghiệp thành lập quỹ từ thiện?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định nghiêm cấm lợi dụng việc thành lập và tổ chức các hoạt động của quỹ để thực hiện các hành vi sau:
- Làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng; gây phương hại đến lợi ích quốc gia, an ninh, quốc phòng, khối đại đoàn kết dân tộc.
- Xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống, bản sắc dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.
- Tư lợi, gian dối về tài chính trong quá trình thành lập quỹ và quỹ hoạt động.
- Rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động trái pháp luật.
- Làm giả, tẩy xóa, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp giấy phép thành lập quỹ dưới bất kỳ hình thức nào.
- Sử dụng ngân sách nhà nước, sử dụng hoặc hỗ trợ tài sản được ngân sách nhà nước giao hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để tham gia góp tài sản thành lập quỹ.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?