Doanh nghiệp chế xuất mua hàng nội địa có được thanh toán bằng ngoại tệ không?
Doanh nghiệp chế xuất mua hàng nội địa có được thanh toán bằng ngoại tệ không?
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN quy định về nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam như sau:
Nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam
Trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư này, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối.
Ngoài ta, căn cứ tại khoản 12 Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN quy định về các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam như sau:
Các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam
....
12. Người cư trú là doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo quy định sau:
a) Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi mua hàng hóa từ thị trường nội địa để sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu hoặc để xuất khẩu, trừ hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu. Doanh nghiệp trong nước được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi bán hàng hóa cho doanh nghiệp chế xuất;
b) Được báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán, nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản với doanh nghiệp chế xuất khác.
.....
Thông qua các quy định trên, doanh nghiệp chế xuất mua hàng nội địa được thanh toán bằng ngoại tệ nếu việc mua hàng nội địa được dùng để sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu hoặc để xuất khẩu, trừ hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu.
Trong trường hợp này, việc thanh toán bằng ngoại tệ được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán đối với doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp chế xuất khác.
Doanh nghiệp chế xuất mua hàng nội địa có được thanh toán bằng ngoại tệ không? (Hình từ Internet)
Thủ tục thành lập doanh nghiệp chế xuất như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, thủ tục thành lập doanh nghiệp chế xuất được quy định như sau:
*Trường hợp 1: Thành lập doanh nghiệp chế xuất đồng thời với thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Bước 1: Nhà đầu tư nộp bản cam kết về khả năng đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cùng với hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Bước 2: Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ghi nhận mục tiêu thành lập doanh nghiệp chế xuất tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
*Trường hợp 2: Thành lập doanh nghiệp chế xuất không đồng thời với thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bước 1: Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi đặt doanh nghiệp chế xuất, hồ sơ gồm:
- Các tài liệu về dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Bản cam kết về khả năng đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đối với dự án đầu tư không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy xác nhận đăng ký doanh nghiệp chế xuất cho nhà đầu tư.
*Trường hợp 3: Dự án đầu tư của nhà đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư
Bước 1: nhà đầu tư nộp bản cam kết về khả năng đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cùng với hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện một trong các việc như sau:
- Cấp Giấy xác nhận đăng ký doanh nghiệp chế xuất cho nhà đầu tư.
- Ghi nhận mục tiêu thành lập doanh nghiệp chế xuất tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Doanh nghiệp chế xuất có được thành lập chi nhánh hay không?
Theo khoản 7 Điều 26 Nghị định 35/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất
.....
7. Doanh nghiệp chế xuất được thành lập chi nhánh theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp để thực hiện hoạt động chế xuất. Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế đối với doanh nghiệp chế xuất quy định tại Điều này nếu thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế và đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 Điều này.
....
Như vậy, doanh nghiệp chế xuất được thành lập chi nhánh để thực hiện hoạt động chế xuất theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?