Các thủ tục về thuế doanh nghiệp cần làm ngay sau kỳ nghỉ tết Âm lịch 2024?
Các thủ tục về thuế doanh nghiệp cần làm ngay sau kỳ nghỉ tết Âm lịch 2024?
Căn cứ khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về thời hạn thực hiện các thủ tục về thuế như sau:
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
1. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý được quy định như sau:
a) Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng;
b) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.
...
Như vậy, ngay sau kỳ nghỉ tết Âm lịch 2024, doanh nghiệp cần lưu ý nhanh chóng thực hiện các thủ tục về thuế cụ thể như sau:
- Nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng 01/2024 chậm nhất vào ngày 20/02/2024;
- Nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân tháng 01/2024 chậm nhất vào ngày 20/02/2024.
Lưu ý, trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện thủ tục về thuế thông qua giao dịch điện tử và Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, mà gặp sự cố vào ngày cuối cùng của thời hạn nộp tờ khai thuế thì thời hạn nộp tờ khai thuế là ngày tiếp theo khi Cổng thông tin điện tử tiếp tục hoạt động trở lại.
Các thủ tục về thuế doanh nghiệp cần làm ngay sau kỳ nghỉ tết Âm lịch 2024? (Hình từ Internet)
Sau kỳ nghỉ tết Âm lịch, trong tháng 02/2024, ngoài nộp tờ khai thuế doanh nghiệp còn cần thực hiện các thủ tục nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định về việc trích đóng BHXH bắt buộc như sau:
Phương thức đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
1. Đóng hằng tháng
Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
...
Bên cạnh đó, căn cứ Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo khoản 1 Điều 19 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định về việc trích đóng BHYT bắt buộc như sau:
Phương thức đóng BHYT theo quy định tại Điều 15 Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
1. Đối tượng tại Khoản 1 Điều 17: như quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 7.
...
Ngoài ra, căn cứ Điều 16 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 2 Quyết định 490/QĐ-BHXH năm 2023 quy định về phương thức đóng BHTN như sau:
Phương thức đóng
Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng BHTN và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định để đóng cùng một lúc vào Quỹ BHTN.
Thêm vào đó, căn cứ Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định về đóng kinh phí công đoàn như sau:
Phương thức đóng kinh phí công đoàn
1. Cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Kho bạc Nhà nước nơi cơ quan, đơn vị mở tài khoản giao dịch căn cứ giấy rút kinh phí công đoàn, thực hiện việc kiểm soát chi và chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi của tổ chức công đoàn tại ngân hàng.
2. Tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
3. Tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh đóng kinh phí công đoàn theo tháng hoặc quý một lần cùng với thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trên cơ sở đăng ký với tổ chức công đoàn.
Như vậy, sau kỳ nghỉ tết Âm lịch, trong tháng 02/2024, ngoài nộp tờ khai thuế, doanh nghiệp còn cần thực hiện trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN và đóng kinh phí công đoàn chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng 02/2024 cụ thể vào ngày 29/02/2024.
Doanh nghiệp chậm nộp tờ khai thuế bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về thời hạn nộp tờ khai thuế như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;
b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.
Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;
b) Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều này.
Như vậy, doanh nghiệp chậm nộp tờ khai thuế sẽ bị xử phạt cảnh cáo nếu quá thời hạn từ 01 đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ. Trong trường hợp, quá thời hạn nộp thuế từ 01 ngày trở lên, doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng theo quy định.
Ngoài ra, doanh nghiệp buộc phải nộp lại đủ số tiền chậm nộp và nộp tờ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế theo đúng quy định.
Lưu ý, mức phạt kể trên áp dụng đối với hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?
- Xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh như thế nào từ ngày 01/01/2025?