Mua bán tiền giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nào?

Cho tôi hỏi mua bán tiền giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nào? Phân biệt tiền thật - giả bằng mắt tay hoặc mắt thường như thế nào? Câu hỏi từ chị Phương (Hà Nội)

Tiền giả là gì?

Căn cứ Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định phát hành tiền giấy, tiền kim loại:

Phát hành tiền giấy, tiền kim loại
1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế.
4. Tiền giấy, tiền kim loại phát hành vào lưu thông là tài sản "Nợ" đối với nền kinh tế và được cân đối bằng tài sản "Có" của Ngân hàng Nhà nước.

Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 87/2023/NĐ-CP quy định như sau:

Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
2. Tiền giả được hiểu là vật phẩm có một mặt hoặc hai mặt mô phỏng hình ảnh, hoa văn, màu sắc, kích thước của tiền Việt Nam để được chấp nhận giống như tiền Việt Nam, không có hoặc giả mạo các đặc điểm bảo an, không do Ngân hàng Nhà nước phát hành hoặc là tiền Việt Nam bị thay đổi, cắt ghép, chỉnh sửa để tạo ra tờ tiền có mệnh giá khác so với nguyên gốc.
...

Theo đó, tiền giả là tiền được làm giống như tiền thật nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước phát hành hoặc là tiền Việt Nam bị thay đổi, cắt ghép, chỉnh sửa để tạo ra tờ tiền có mệnh giá khác so với nguyên gốc.

Tiền giả có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, nhưng phổ biến nhất là giấy. Tiền giả thường được làm ra với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác.

Tiền giả có một mặt hoặc hai mặt mô phỏng hình ảnh, hoa văn, màu sắc, kích thước của tiền Việt Nam.

Mua bán tiền giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nào?

Mua bán tiền giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nào? (Hình từ Internet)

Mua bán tiền giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nào?

Người nào có hành vi mua bán tiền giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau:

(1) Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả

Căn cứ Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả:

Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Người mua bán tiền giả thực hiện các hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.

Người bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 03 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Người chuẩn bị phạm tội thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(2) Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a, điểm c khoản 3 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Người nào mua bán tiền giả nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

- Tài sản chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc một trong các tội sau chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:

+ Tội cướp tài sản

+ Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

+ Tội cưỡng đoạt tài sản

+ Tội cướp giật tài sản

+ Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

+ Tội trộm cắp tài sản

+ Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

+ Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, người nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hướng dẫn phân biệt tiền giả - thật bằng mắt tay hoặc mắt thường?

Tiền Việt Nam hiện nay được in trên chất liệu polymer, có các yếu tố bảo an hiện đại, tinh xảo, khó làm giả. Tuy nhiên, các đối tượng phạm pháp vẫn có thể làm giả tiền với chất lượng ngày càng cao, khiến người dân khó phân biệt.

Do đó, cần nắm rõ một số cách phân biệt tiền giả - thật bằng mắt thường để tránh bị lừa đảo như sau:


Tiền thật

Tiền giả

Cách 1: Kiểm tra chất liệu polymer

Tiền thật được in trên chất liệu polymer, có độ bền cao, khó rách, khó nhàu nát. Khi cầm tờ tiền lên, bạn sẽ cảm thấy tờ tiền có độ cứng, dẻo dai, không bị nhàu nát, rách khi gấp nếp.

Tiền giả chủ yếu được in trên nilon nên không có độ đàn hồi đặc trưng và độ bền như tiền thật.

Khi nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và mở ra, sẽ không đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; khi kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền sẽ dễ bị bai giãn hoặc rách.

Cách 2: Soi tờ tiền trước nguồn sáng

+ Hình bóng chìm: nhìn thấy rõ từ hai mặt tờ tiền, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo và sáng trắng.

Đối với mệnh giá từ 20.000đ đến 500.000đ là hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; mệnh giá 10.000đ là hình ảnh chùa Một Cột.

+ Hình định vị nhìn thấy hình ảnh trên hai mặt khớp khít, tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh, các khe trắng đều nhau.

Đối với mệnh giá 10.000đ, 20.000đ: phía trên bên trái mặt trước hoặc phía trên bên phải mặt sau tờ tiền;

Đối với mệnh giá 50.000đ-500.000đ: phía trên bên phải mặt trước hoặc phía trên bên trái mặt sau tờ tiền

Tiền giả, hình bóng chìm chỉ là hình ảnh mô phỏng, không tinh xảo; hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.

Cách 3: Vuốt nhẹ mặt trước tờ tiền, kiểm tra các yếu tố in nổi

Tại các vị trí có yếu tố in nổi, sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in, như:

+ Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh

+ Quốc huy

+ mệnh giá bằng số và bằng chữ

+ Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”.

Ở tiền giả, chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay nhưng không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật.

Cách 4: Chao nghiêng tờ tiền, kiểm tra mực đổi màu (OVI), dải iriodin

Mực đổi màu chỉ có ở 3 mệnh giá 500.000đ, 200.000đ và 100.000đ (500.000đ, 200.000đ: phía dưới, bên trái; 100.000đ: phía trên bên phải mặt trước tờ tiền).

Khi chao nghiêng tờ tiền và quan sát, bạn sẽ thấy mực đổi màu chuyển từ màu vàng sang màu xanh lá cây hoặc ngược lại.

Dải iriodin chỉ có ở các mệnh giá 500.000đ, 200.00đ, 100.000đ, 20.000đ và 10.000đ, là dải màu vàng chạy dọc tờ tiền và đặt tại mặt sau tờ tiền; riêng mệnh giá 100.000đ đặt tại mặt trước tờ tiền.

Khi chao nghiêng tờ tiền, bạn sẽ thấy dải iriodin lấp lánh ánh kim, trên dải có số mệnh giá hoặc hoa văn.

Tiền giả, có làm giả yếu tố mực đổi màu (OVI) nhưng không đổi màu, hoặc có đổi màu nhưng không đúng màu như ở tiền thật; không có dải iriodin hoặc có in giả nhưng không lấp lánh như ở tiền thật.

Cách 5: Kiểm tra yếu tố hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ

Cửa sổ nhỏ chỉ có ở 4 mệnh giá 500.000đ, 200.000đ, 100.000đ và 50.000đ, là chi tiết nền nhựa trong suốt và đặt tại phía trên bên trái mặt trước hoặc phía trên bên phải mặt sau tờ tiền.

Khi đưa cửa sổ nhỏ tới gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng phù hợp (có thể là ngọn lửa, bóng đèn sợi đốt, đèn đường, đèn flash điện thoại) sẽ nhìn thấy hình ảnh hiện lên xung quanh nguồn sáng.

Lưu ý đối với những tờ tiền cũ, cửa sổ nhỏ thường có nhiều vết xước nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của hình ảnh.

Tiền giả, trong cửa sổ nhỏ không có yếu tố hình ẩn.

Lưu ý: Hướng dẫn trên chỉ mang tính chất tham khảo!

Trân trọng!

Tội làm tàng trữ vận chuyển lưu hành tiền giả
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất về Tội làm tàng trữ vận chuyển lưu hành tiền giả
Hỏi đáp Pháp luật
Mua bán tiền giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Hồ sơ đề nghị giám định tiền giả, tiền nghi giả theo Nghị định 87/2023 gồm những giấy tờ gì?
Hỏi đáp Pháp luật
Làm tiền giả bị phạt bao nhiêu năm tù? Chuẩn bị làm tiền giả thì có phạm tội không?
Hỏi đáp Pháp luật
Truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào đối với hành vi đăng bán tiền giả trên Internet?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Tội làm tàng trữ vận chuyển lưu hành tiền giả
Phan Vũ Hiền Mai
320 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Tội làm tàng trữ vận chuyển lưu hành tiền giả
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào