Người sử dụng lao động có bắt buộc phải thực hiện sơ cứu cho người lao động bị tai nạn lao động không?
Người sử dụng lao động có bắt buộc phải thực hiện sơ cứu cho người lao động bị tai nạn lao động không?
Căn cứ Điều 18 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động, cụ thể như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động
1. Kịp thời tổ chức sơ cứu, cấp cứu người bị nạn.
2. Khai báo tai nạn lao động theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.
3. Giữ nguyên hiện trường vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng theo nguyên tắc sau đây:
a) Trường hợp phải cấp cứu người bị nạn, ngăn chặn những rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra cho người khác mà làm xáo trộn hiện trường thì người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động phải có trách nhiệm vẽ lại sơ đồ hiện trường, lập biên bản, chụp ảnh, quay phim hiện trường (nếu có thể);
b) Chỉ được xóa bỏ hiện trường và mai táng tử thi (nếu có) sau khi đã hoàn thành các bước Điều tra theo quy định của Nghị định này và được sự đồng ý bằng văn bản của Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh hoặc cơ quan công an.
4. Cung cấp ngay tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn theo yêu cầu của Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tài liệu, đồ vật, phương tiện đó.
..
Như vậy, người sử dụng lao động có trách nhiệm sơ cứu kịp thời cho người bị nạn khi xảy ra tai nạn lao động. Hành vi không kịp thời sơ cứu cho người bị nạn là hành vi vi phạm pháp luật trong công tác an toàn lao động.
Người sử dụng lao động có bắt buộc phải thực hiện sơ cứu cho người lao động bị tai nạn lao động không? (Hình từ Internet)
Không kịp thời sơ cứu cho người lao động bị tai nạn lao động bị phạt thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 23 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
Vi phạm quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không kịp thời sơ cứu hoặc cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động;
b) Không thanh toán phần chi phí đồng chi trả hoặc những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tham gia bảo hiểm y tế;
c) Không tạm ứng chi phí sơ cứu, chi phí cấp cứu hoặc không thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không tham gia bảo hiểm y tế;
d) Không giới thiệu người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật;
đ) Không trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật;
e) Không thực hiện hoặc thực hiện không đủ hoặc thực hiện không đúng thời hạn việc bồi thường hoặc chế độ trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Theo đó người sử dụng lao động không kịp thời sơ cứu cho người lao động bị tai nạn lao động thì bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng
Lưu ý: Mức phạt quy định đối với hành vi trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Khu vực sơ cứu cấp cứu tại nơi làm việc phải bao gồm những trang thiết bị nào?
Căn cứ theo Phụ lục 5 Danh mục trang thiết bị của khu vực sơ cứu cấp cứu ban hành kèm theo Thông tư 19/2016/TT-BYT quy định về khu vực sơ cứu cấp cứu tại nơi làm việc phải bao gồm những trang thiết bị như sau:
- Túi sơ cấp cứu tại nơi làm việc
- Bồn rửa tay có đủ nước sạch
- Giấy lau tay
- Tạp dề ni lông
- Tủ lưu giữ hồ sơ
- Đèn pin
- Vải, toan sạch
- Cặp nhiệt độ
- Giường, gối, chăn
- Cáng cứng
- Xà phòng rửa tay
- Dụng cụ chứa chất thải nguy hại và không nguy hại
- Bô hoặc chậu chứa chất thải của bệnh nhân
- Ghế đợi
- Tủ đựng vật tư tiêu hao và các dụng cụ, phương tiện sơ cứu, cấp cứu.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy: Nghiên cứu hợp nhất văn phòng HĐND, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một?
- Từ 2025, ngân hàng không được gửi tin nhắn, email chứa đường link tới khách hàng?
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Ngày Nhân quyền thế giới là ngày mấy? Ngày Nhân quyền thế giới 2024 là thứ mấy?
- Khi đi đến nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện giao thông cần đi như thế nào để bảo đảm đúng quy tắc giao thông?