Mẫu tờ khai đăng ký kết hôn mới nhất 2024 và hướng dẫn cách ghi?
Mẫu tờ khai đăng ký kết hôn mới nhất 2024?
Đăng ký kết hôn là thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhằm ghi nhận sự kiện hai người nam và nữ kết hôn với nhau. Đây là thủ tục bắt buộc đối với tất cả các cặp đôi muốn xác lập quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Do đó, tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP đã có quy định mẫu tờ khai đăng ký kết hôn.
Tải về mẫu tờ khai đăng ký kết hôn mới nhất 2024? Cách ghi tờ khai đăng ký kết hôn:
Hướng dẫn cách ghi tờ khai đăng ký kết hôn?
Để ghi tờ khai đăng ký kết hôn đúng và đầy đủ, hai bên nam và nữ cần lưu ý các hướng dẫn sau:
(1), (2) Trường hợp làm thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, thì phải dán ảnh của hai bên nam, nữ.
(3) Ghi rõ tên cơ quan đăng ký kết hôn.
(4) Ghi theo nơi đăng ký thường trú, nếu không có nơi đăng ký thường trú thì ghi theo nơi đăng ký tạm trú; trường hợp không có nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú thì ghi theo nơi đang sinh sống.
(5) Ghi thông tin về giấy tờ tùy thân như: hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế (ví dụ: Chứng minh nhân dân số 001089123 do Công an thành phố Hà Nội cấp ngày 20/10/1982).
(6) Đề nghị đánh dấu X vào ô nếu có yêu cầu cấp bản sao và ghi rõ số lượng.
Mẫu tờ khai đăng ký kết hôn mới nhất 2024 và hướng dẫn cách ghi? (Hình từ Internet)
Cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký kết hôn?
Đầu tiên, tại Điêu 17 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn như sau:
Thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
2. Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây:
a) Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;
b) Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;
c) Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Đồng thời, tại Điều 37 Luật Hộ tịch 2014 cũng quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn cụ thể như sau:
Thẩm quyền đăng ký kết hôn
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
2. Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn, cụ thể:
- Đối với trường hợp kết hôn không có yếu tố nước ngoài thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
- Đối với trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa:
+ Công dân Việt Nam với người nước ngoài;
+ Công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
+ Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau;
+ Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.
Tổ chức đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn có bị phạt không?
Đầu tiên, tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về việc đăng ký kết hôn cụ thể như sau:
Đăng ký kết hôn
1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.
Dẫn chiếu đến khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có định nghĩa về việc chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.
Như vậy, Pháp luật Việt Nam chỉ khuyến khích công dân khi kết hôn phải đăng ký kết hôn để cuộc hôn nhân có giá trị pháp lý và được pháp luật bảo vệ.
Như vậy, đối với trường hợp tổ chức đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn sẽ không bị phạt mà thay vào đó là pháp luật sẽ không công nhận quan hệ vợ chồng. Nếu sau này có những vấn đề pháp lý phát sinh thì sẽ không được pháp luật bảo vệ và điều chỉnh theo quan hệ vợ chồng.
Lưu ý: Nếu nam/nữ đã có vợ/chồng lại chung sống như vợ/chồng với người khác thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của vợ chồng cũng như vi phạm pháp luật.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển xe máy chuyên dùng từ 01/01/2025?
- Bài phát biểu 20 11 của học sinh - Ngày Nhà giáo Việt Nam 2024?
- Lời chúc ngày 20 11 cho vợ là giáo viên mới nhất năm 2024?
- Đề xuất xe máy vượt đèn đỏ có thể bị phạt tới 6 triệu đồng?
- Từ ngày 20/11/2024, điều kiện thành lập trường dự bị đại học là gì?