Khi nào thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào thời giờ làm việc?
Khi nào thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào thời giờ làm việc?
Theo Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về nghỉ trong giờ làm việc như sau:
Nghỉ trong giờ làm việc
1. Thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục theo quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động được áp dụng đối với người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày, trong đó có ít nhất 03 giờ làm việc trong khung giờ làm việc ban đêm quy định tại Điều 106 của Bộ luật Lao động.
2. Thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc đối với trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định này ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút.
.....
Mặt khác theo Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về ca làm việc và tổ chức làm việc theo ca như sau:
Ca làm việc và tổ chức làm việc theo ca
.....
2. Tổ chức làm việc theo ca là việc bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày (24 giờ liên tục).
3. Trường hợp làm việc theo ca liên tục để được tính nghỉ giữa giờ vào giờ làm việc quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động là trường hợp tổ chức làm việc theo ca quy định tại khoản 2 Điều này khi ca làm việc đó có đủ các điều kiện sau:
a) Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên;
b) Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.
Căn cứ tại Điều 109 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ trong giờ làm việc như sau:
Nghỉ trong giờ làm việc
1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
.....
Theo đó, thông thường, đối với người lao động làm việc không quá 08 tiếng/ngày; 48 tiếng/tuần và từ 06 tiếng trở lên/ ngày thì sẽ được nghỉ giữa giờ trong giờ làm việc ít nhất 30 phút liên tục nếu làm việc ban ngày hoặc ít nhất 45 phút liên nếu làm việc ban đêm. Tuy nhiên, thời gian này sẽ không được tính vào thời giờ làm việc.
Mặc dù vậy, thời gian nghỉ giữa giờ sẽ được tính vào thời gian làm việc nếu người lao động làm việc theo ca liên tục và ca làm việc đáp ứng đủ các điều kiện như sau:
- Ca làm việc từ 06 giờ trở lên.
- Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.
*Làm việc theo ca chính là việc bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày (24 tiếng liên tục).
Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.
Khi nào thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào thời giờ làm việc? (Hình từ Internet)
Thời giờ làm việc đối với người lao động có tính chất đặc biệt như thế nào?
Căn cứ theo Điều 116 Bộ luật Lao động 2019, thời giờ làm việc đối với người lao động có tính chất đặc biệt sẽ do Bộ, ngành quản lý quy định sau khi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bao gồm: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và phải tuân thủ quy định nghỉ trong giờ làm việc tại Điều 109 Bộ luật Lao động 2019.
Công việc tính chất đặc biệt thông thường là các công việc như sau:
- Công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không.
- Thăm dò, khai thác dầu khí trên biển; làm việc trên biển; trong lĩnh vực nghệ thuật.
- Sử dụng kỹ thuật bức xạ và hạt nhân.
- Ứng dụng kỹ thuật sóng cao tần.
- Tin học, công nghệ tin học.
- Nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến; thiết kế công nghiệp.
- Công việc của thợ lặn; công việc trong hầm lò.
- Công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng; công việc phải thường trực 24/24 giờ.
- Các công việc có tính chất đặc biệt khác do Chính phủ quy định.
Người lao động được nghỉ bao nhiêu tiếng hằng tuần?
Theo Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ hằng tuần như sau:
Nghỉ hằng tuần
1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Như vậy, người lao động được nghỉ ít nhất 24 tiếng liên tục mội tuần. Nếu do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?