Công chứng viên có được phép công chứng tại nhà cho người bị câm không?
Công chứng viên có được phép công chứng tại nhà cho người bị câm không?
Căn cứ theo Điều 44 Luật Công chứng 2014 quy định về địa điểm công chứng với nội dung như sau:
Địa điểm công chứng
1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Theo đó, công chứng viên chỉ có thể thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không đi lại được; người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở để thực hiện công chứng.
Do đó, nếu người bị câm không phải là người người già yếu, không đi lại được; người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác thì việc Công chứng viên công chứng cho người này ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng là trái quy định của pháp luật.
Công chứng viên có được phép công chứng tại nhà cho người bị câm không? (Hình ảnh từ Internet)
Công chứng viên thực hiện công chứng tại nhà do người yêu cầu công chứng bị câm thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng như sau:
Hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không đánh số thứ tự từng trang đối với văn bản công chứng có từ 02 trang trở lên;
b) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp phiếu yêu cầu công chứng không đầy đủ nội dung theo quy định;
c) Không mang theo thẻ công chứng viên khi hành nghề;
d) Tham gia không đầy đủ nghĩa vụ bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm theo quy định.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định;
b) Công chứng không đúng thời hạn quy định;
c) Sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng không đúng quy định;
d) Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;
đ) Từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng;
e) Không dùng tiếng nói hoặc chữ viết là tiếng Việt;
g) Không tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên;
h) Hướng dẫn nhiều hơn 02 người tập sự tại cùng một thời điểm;
i) Hướng dẫn tập sự khi không đủ điều kiện theo quy định;
k) Không thực hiện đúng các nghĩa vụ của người hướng dẫn tập sự theo quy định;
l) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có phiếu yêu cầu công chứng;
m) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp thành phần hồ sơ có giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung;
n) Từ chối hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng không có lý do chính đáng.
...
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền được quy định tại Điều luật trên là mức xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ là gấp 02 lần so với mức phạt tiền cá nhân.
Như vậy, Công chứng viên công chứng cho người bị câm không phải là người già yếu, không đi lại được; người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
Ngoài ra, nếu tổ chức hành nghề công chứng vi phạm thì số tiền phạt sẽ là từ 6.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
Công chứng viên không được phép thực hiện những việc nào đối với người yêu cầu công chứng?
Những việc công chứng viên không phép thực hiện trong quan hệ với người yêu cầu công chứng được quy định tại Điều 9 Thông tư 11/2012/TT-BTP, bao gồm những hành vi sau:
(1) Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;
(2) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác đã được quy định, xác định, thoả thuận;
(3) Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện việc công chứng;
(4) Sử dụng thông tin biết được từ việc công chứng để mưu cầu lợi ích cá nhân;
(5) Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội;
(6) Đưa ra những lời hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu công chứng hoặc tự ý thu tăng hoặc giảm phí công chứng, thù lao công chứng so với quy định và sự thỏa thuận;
(7) Công chứng các hợp đồng, giao dịch có liên quan về mặt lợi ích giữa công chứng viên và người yêu cầu công chứng;
(8) Thông đồng, tạo điều kiện cho người yêu cầu công chứng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
(9). Trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu công chứng hoặc người môi giới;
(10). Câu kết với người yêu cầu công chứng, những người có liên quan làm sai lệch nội dung của văn bản công chứng và hồ sơ đã công chứng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Danh sách 56 đơn vị hành chính cấp xã mới của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025?
- Ngày 25 tháng 11 âm là ngày bao nhiêu dương 2024? Người lao động được nghỉ hưởng lương vào ngày này không?
- Mẫu bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú mới nhất 2024?
- Hồ sơ đăng ký hành nghề công tác xã hội tại Việt Nam đối với người nước ngoài gồm những gì?