Mắc bệnh truyền nhiễm nhóm nào bắt buộc phải chữa bệnh?
Mắc bệnh truyền nhiễm nhóm nào bắt buộc phải chữa bệnh?
Tại Điều 82 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ 01/01/2024) có quy định về bắt buộc chữa bệnh như sau:
Bắt buộc chữa bệnh
1. Các trường hợp bắt buộc chữa bệnh theo quy định của Luật này bao gồm:
a) Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
b) Người mắc bệnh trầm cảm có ý tưởng, hành vi tự sát; người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động có khả năng gây nguy hại cho bản thân hoặc có hành vi gây nguy hại cho người khác hoặc phá hoại tài sản;
c) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật
2. Chính phủ quy định về biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A thì bắt buộc phải chữa bệnh.
Mắc bệnh truyền nhiễm nhóm nào bắt buộc phải chữa bệnh? (Hình từ Internet)
Bệnh truyền nhiễm nhóm A bao gồm các bệnh nào?
Tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 có quy định về phân loại bệnh truyền nhiễm như sau:
Phân loại bệnh truyền nhiễm
1. Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau đây:
a) Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh;
...
Như vậy, bệnh truyền nhiễm nhóm A bao gồm các loại bệnh sau:
- Bệnh bại liệt;
- Bệnh cúm A-H5N1;
- Bệnh dịch hạch;
- Bệnh đậu mùa;
- Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg);
- Bệnh sốt Tây sông Nin (Nile);
- Bệnh sốt vàng; bệnh tả;
- Bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút;
- Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Biện pháp kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A được quy định như thế nào?
Tại Điều 53 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 có quy định về kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A như sau:
Kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A
1. Các biện pháp kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A bao gồm:
a) Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế;
b) Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch;
c) Thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;
d) Các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
2. Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng có dịch để thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, biện pháp kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A được quy định như sau:
- Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế;
- Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch;
- Thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch:
+ Trang bị bảo vệ cá nhân;
+ Sử dụng thuốc phòng bệnh;
+ Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh;
+ Sử dụng hoá chất diệt khuẩn, hoá chất phòng trung gian truyền bệnh.
- Các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
Phòng chống bệnh truyền nhiễm dựa trên những nguyên tắc nào?
Tại Điều 4 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 có quy định việc phòng chống bệnh truyền nhiễm dựa trên các nguyên tắc sau:
- Lấy phòng bệnh là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu.
- Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng chống bệnh truyền nhiễm.
- Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng chống bệnh truyền nhiễm;
- Lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
- Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch.
- Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng chống dịch.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?