Doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân không theo pháp luật doanh nghiệp hiện nay?
Khi nào thì một tổ chức được xem là pháp nhân?
Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về pháp nhân như sau:
Pháp nhân
1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Theo đó, một tổ chức được xem là có tư cách pháp nhân nếu đáp ứng được các tiêu chí sau:
[1] Được thành lập theo quy định của pháp luật
[2] Có cơ cấu tổ chức theo quy định cụ thể là:
- Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
- Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
[3] Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
[4] Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân không theo pháp luật doanh nghiệp hiện nay? (hình từ Internet)
Doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân không theo pháp luật doanh nghiệp hiện nay?
Theo Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về doanh nghiệp tư nhân như sau:
Doanh nghiệp tư nhân
1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Theo khoản 3 Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quản lý doanh nghiệp tư nhân như sau:
Quản lý doanh nghiệp tư nhân
...
3. Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, có thể thấy doanh nghiệp tư nhân không phải là pháp nhân vì các lý do sau:
[1] Vốn của doanh nghiệp chính là vốn của chủ doanh nghiệp tư nhân, tức là doanh nghiệp tư nhân không có vốn độc lập. Điều này đã không đáp ứng điều kiện thứ 3 của pháp nhân
[2] Tài sản của doanh nghiệp gắn liền với chủ doanh nghiệp tư nhân nên khi có tranh chấp thì doanh nghiệp tư nhân không thể tự mình chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình
[3] Chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ là nười tham gia vào quá trình tố tụng với cách là người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tức là lúc này, doanh nghiệp tư nhân không nhân danh chính mình để tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập như yêu cầu đôi với một pháp nhân
Qua đó, có thê thấy doanh nghiệp tư nhân đã vi phạm điều kiện về việc có tài sản tách biệt và độc lập của pháp nhân và điều kiện về việc nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật độc lập.
Do đó, doanh nghiệp tư nhân không phải là pháp nhân
Nếu không có người thừa kế khi chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì xử lý như thế nào?
Theo Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt như sau:
Thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt
1. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
2. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế. Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó.
3. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
...
Theo đó, nếu chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có ai thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ được xử lý theo pháp luật về dân sự
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?