Sự khác nhau giữa thành viên hợp danh và thành viên góp vốn của công ty hợp danh?
Thành viên hợp danh là gì? Thành viên góp vốn là gì?
Tại khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về thành viên hợp danh và thành viên góp vốn như sau:
Công ty hợp danh
1. Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
a) Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
c) Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
...
Theo đó, thành viên hợp danh và thành viên góp vốn được quy định như sau:
[1] Thành viên hợp danh: phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty
[2] Thành viên góp vốn: là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Sự khác nhau giữa thành viên hợp danh và thành viên góp vốn của công ty hợp danh? (Hình từ Internet)
Sự khác nhau giữa thành viên hợp danh và thành viên góp vốn của công ty hợp danh?
Sau đây là bảng so sánh cơ bản giữa thành viên hợp danh và thành viên góp vốn trong công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp 2020:
Tiêu chí so sánh | Thành viên hợp danh | Thành viên góp vốn |
Số lượng | Bắt buộc phải có ít nhất 2 thành viên hợp danh là chủ sở hữu chung của công ty, để cùng nhau hoạt động kinh doanh dưới một tên chung. | Không bắt buộc số lượng thành viên góp vốn trong công ty. công ty hợp danh có thể có hoặc không có thành viên góp vốn. |
Trách nhiệm | Thành viên hợp danh trong công ty phải là cá nhân và chịu trách nhiệm bằng tất cả tài sản của mình về các quyền lợi và nghĩa vụ trong công ty. | Thành viên góp vốn trong công ty có thể là tổ chức hoặc cá nhân và chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn mình đã góp vào công ty trước đó. |
Lợi nhuận | Lợi nhuận được chia đều, theo thỏa thuận quy định tại điều lệ hoặc tương ứng với tỷ lệ vốn góp trong công ty. | Lợi nhuận được chia đều hằng năm, tỷ lệ chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn góp trong vốn điều lệ của công ty. |
Quyền quản lý, điều hành công ty | Thành viên hợp danh sẽ nhân danh công ty tiến hành hoạt động kinh doanh các ngành kinh doanh của công ty. Tiến hành ký kết, đàm phán và thỏa thuận hợp đồng. | Thành viên góp vốn không được phép tham gia quản lý công ty và không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty. |
Chuyển nhượng vốn | Tuyệt đối không được quyền tự do chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác. Nếu muốn chuyển nhượng vốn thì phải có sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại. | Được phép chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác mà không cần sự đồng ý của các thành viên khác. |
Không góp đủ số vốn cam kết | Các thành viên không góp đúng hạn và đủ số vốn đã cam kết, gây thiệt hại trong quá trình hoạt động kinh doanh thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty. | Các thành viên không góp vốn đúng hạn thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ đối với công ty. Ngoài ra, các thành viên góp vốn có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên hoặc điều lệ của công ty. |
Một số hạn chế | Không được phép làm chủ doanh nghiệp tư nhân, không được nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác kinh doanh cùng nghề kinh doanh của công ty để phục vụ lợi ích của tổ chức và cá nhân khác, không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác (không tính trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại). | Quyền lợi của thành viên góp vốn không bị hạn chế. |
Thành viên hợp danh hay thành viên góp vốn có quyền yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên?
Theo Điều 182 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Hội đồng thành viên như sau:
Hội đồng thành viên
1. Hội đồng thành viên bao gồm tất cả thành viên. Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
2. Thành viên hợp danh có quyền yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên để thảo luận và quyết định công việc kinh doanh của công ty. Thành viên yêu cầu triệu tập họp phải chuẩn bị nội dung, chương trình và tài liệu họp.
3. Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty. Nếu Điều lệ công ty không quy định thì quyết định các vấn đề sau đây phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh tán thành:
...
Theo đó, thành viên hợp danh sẽ có quyền triệu tập họp Hội đồng thành viên để thảo luận và quyết định công việc kinh doanh của công ty chứ không phải thành viên góp vốn.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?