Thời gian chờ trong hợp đồng bảo hiểm được xác định như thế nào? Trường hợp nào được xác định là thương tật toàn bộ vĩnh viễn để hưởng bảo hiểm?
Trường hợp nào được xác định là thương tật toàn bộ vĩnh viễn để hưởng bảo hiểm?
Tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 67/2023/TT-BTC có quy định về quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được chủ động, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thiết kế và phát triển sản phẩm bảo hiểm.
Tuy nhiên trong quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm khi có quy định về quyền lợi thương tật toàn bộ vĩnh viễn thì thương tật toàn bộ vĩnh viễn được xác định như sau:
- Quyền lợi thương tật toàn bộ vĩnh viễn được xem xét chi trả khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
+ Người được bảo hiểm bị mất, liệt hoàn toàn và không thể phục hồi được chức năng của: hai tay; hoặc hai chân; hoặc một tay và một chân; hoặc hai mắt; hoặc một tay và một mắt; hoặc một chân và một mắt.
Trong trường hợp này, mất hoàn toàn, liệt hoàn toàn và không thể phục hồi được chức năng của tay được tính từ cổ tay trở lên; mất hoàn toàn, liệt hoàn toàn và không thể phục hồi được chức năng của chân được tính từ mắt cá chân trở lên; mất hoàn toàn và không thể phục hồi được chức năng của mắt được hiểu là mất hoàn toàn hoặc mù hoàn toàn;
+ Người được bảo hiểm bị tổn thương cơ thể từ 81% trở lên theo xác nhận của cơ quan y tế hoặc Hội đồng giám định Y khoa cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tổ chức giám định y tế hợp pháp được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chấp thuận.
- Việc chứng nhận người được bảo hiểm bị mất hoàn toàn bộ phận cơ thể (tay, chân hoặc mắt) có thể được thực hiện ngay sau khi sự kiện bảo hiểm xảy ra hoặc sau khi kết thúc việc điều trị.
Việc chứng nhận bị liệt hoàn toàn và không thể phục hồi chức năng của các bộ phận cơ thể hoặc mù hoàn toàn hoặc bị tổn thương cơ thể từ 81% trở lên được thực hiện không sớm hơn 180 ngày kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm hoặc từ ngày bệnh lý được chẩn đoán.
- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có thể bổ sung quy định về các trường hợp khác nhằm gia tăng quyền lợi thương tật toàn bộ vĩnh viễn cho người được bảo hiểm so với các trường hợp nêu trên.
Thời gian chờ trong hợp đồng bảo hiểm được xác định như thế nào? Trường hợp nào được xác định là thương tật toàn bộ vĩnh viễn để hưởng bảo hiểm? (Hình từ Internet)
Thời gian chờ trong hợp đồng bảo hiểm được xác định như thế nào?
Tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 67/2023/TT-BTC có quy định về thời gian chờ trong hợp đồng bảo hiểm được xác định như sau:
Thời gian chờ trong hợp đồng bảo hiểm là khoảng thời gian mà các sự kiện bảo hiểm xảy ra sẽ không được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chi trả đối với một số quyền lợi bảo hiểm sức khỏe.
Cụ thể, thời gian chờ trong hợp đồng bảo hiểm được xác định như sau:
- Thời gian chờ được tính từ ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm hoặc ngày khôi phục hiệu lực hợp đồng gần nhất;
- Không áp dụng thời gian chờ đối với trường hợp tai nạn;
- Đối với các trường hợp bệnh, thời gian chờ tối đa không vượt quá 90 ngày. Đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm chấp thuận bảo hiểm cho các bệnh có sẵn, thời gian chờ tối đa là 1 năm;
- Đối với quyền lợi thai sản, thời gian chờ tối đa là 270 ngày;
- Trường hợp triển khai sản phẩm có thời gian chờ ngoài thời gian chờ đối với các trường hợp bệnh, doanh nghiệp bảo hiểm chấp thuận bảo hiểm cho các bệnh có sẵn và thời gian chờ quyền lợi thai sản thì:
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài giải trình rõ tại tài liệu giải trình phương pháp, cơ sở tính phí sản phẩm bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm không phải đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm nào?
Tại Điều 87 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có quy định về xây dựng, thiết kế, phát triển và cung cấp sản phẩm bảo hiểm như sau:
Xây dựng, thiết kế, phát triển và cung cấp sản phẩm bảo hiểm
...
3. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, trừ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
...
Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm không phải đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm là bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Kinh doanh bảo hiểm có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?