Thẩm phán tham gia xét xử vụ án hình sự bị thay đổi khi nào?
Thẩm phán tham gia xét xử vụ án hình sự bị thay đổi khi nào?
Căn cứ Điều 49 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng:
Các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
1. Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
2. Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;
3. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Căn cứ Điều 53 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm:
Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm
1. Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;
b) Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau;
c) Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.
2. Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm trước khi mở phiên tòa do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án được phân công giải quyết vụ án quyết định.
Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì do Chánh án Tòa án trên một cấp quyết định.
Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định trước khi bắt đầu xét hỏi bằng cách biểu quyết tại phòng nghị án. Khi xem xét thay đổi thành viên nào thì thành viên đó được trình bày ý kiến của mình, Hội đồng quyết định theo đa số.
Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.
Như vậy, các trường hợp thay đổi thẩm phán tham gia xét xử vụ án hình sự bao gồm:
- Thẩm phán đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
- Thẩm phán đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;
- Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng thẩm phán có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
- Thẩm phán cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau;
- Thẩm phán đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.
Thẩm phán tham gia xét xử vụ án hình sự bị thay đổi khi nào? (Hình từ Internet)
Thành viên hội đồng xét xử vụ án hình sự gồm những ai?
Căn cứ Điều 254 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thành phần Hội đồng xét xử:
Thành phần Hội đồng xét xử
1. Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
Đối với vụ án có bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
2. Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán.
Căn cứ Điều 463 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định phiên tòa xét xử sơ thẩm:
Phiên tòa xét xử sơ thẩm
1. Phiên tòa xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành.
2. Sau phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Kiểm sát viên công bố quyết định truy tố.
3. Các trình tự, thủ tục khác tại phiên tòa xét xử sơ thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này nhưng không tiến hành nghị án.
Như vậy, thành viên hội đồng xét xử vụ án hình gồm:
(1) Hội đồng xét xử sơ thẩm
- Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm.
- Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
- Đối với vụ án có bị cáo về tội có mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
Ngoài ra, phiên tòa xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành.
(2) Hội đồng xét xử phúc thẩm
- Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán.
Thẩm phán tham gia xét xử vụ án hình sự có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
Căn cứ Điều 45 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán như sau:
- Thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:
+ Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa;
+ Tiến hành xét xử vụ án;
+ Tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử;
+ Tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.
- Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định trên và những nhiệm vụ, quyền hạn sau:
+ Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ biện pháp tạm giam;
+ Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
+ Quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án;
+ Điều hành việc xét xử vụ án, tranh tụng tại phiên tòa;
+ Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản;
+ Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;
+ Quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa;
+ Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án theo quy định;
- Thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?