Gài bẫy điện chống trộm có thể bị xử lý hình sự?
Gài bẫy điện chống trộm có thể bị xử lý hình sự?
Đầu tiên, tại khoản 7 Điều 7 Luật Điện lực 2004 quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện như sau:
Các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện
1. Phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực.
2. Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật này.
3. Đóng, cắt điện trái quy định của pháp luật.
4. Vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện.
5. Cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.
6. Trộm cắp điện.
7. Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp được quy định tại Điều 59 của Luật này.
...
Đồng thời, theo Điều 59 Luật Điện Lực 2004 một số cụm từ bị thay bởi điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Điện lực sửa đổi 2012 quy định về việc sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp như sau:
Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp
1. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có mức điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản, vật che chắn của khu vực được bảo vệ (sau đây gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ và phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết.
2. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp chỉ được thực hiện khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
3. Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc, có biển báo nguy hiểm, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống. Người quản lý, sử dụng hàng rào điện phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện.
4. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình quy định khu vực được phép sử dụng hàng rào điện.
5. Bộ trưởng Bộ Công thương quy định tiêu chuẩn và điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp.
...
Từ những quy định trên thì cá nhân, hộ gia đình không được phép sử dụng việc gài bẫy điện chống trộm để làm phương tiện bảo vệ.
Việc cá nhân cố tình gài bẫy điện chống trộm là vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.
Theo hướng dẫn tại Tiểu mục 12 mục 1 Công văn 81/2002/TANDTC năm 2002 thì trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người.
Tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội giết người như sau:
Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
...
Theo đó, người sử dụng gài bẫy điện chống trộm mà gây ra hậu quả chết người như quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người với hình phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Trường hợp vi phạm gây hậu quả chưa đến mức phải xử lý hình sự hoặc chưa gây ra hậu quả nhưng bị cơ quan quản lý nhà nước phát hiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Gài bẫy điện chống trộm có thể bị xử lý hình sự? (Hình từ Internet)
Gài bẫy điện chống trộm nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 18 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm quy định về an toàn điện như sau:
Vi phạm quy định về an toàn điện
...
5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Đào hố, đóng cọc vào trong hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm;
b) Điều khiển thiết bị, dụng cụ, phương tiện hoặc các hoạt động khác vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp;
c) Tháo gỡ bất kỳ bộ phận nào của lưới điện, nhà máy điện khi không có nhiệm vụ;
d) Tung, ném, bắn, quăng bất cứ vật gì gây hư hỏng các bộ phận của lưới điện, nhà máy điện hoặc gây sự cố lưới điện, nhà máy điện;
đ) Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định của pháp luật;
e) Không ban hành đầy đủ quy trình, nội quy về an toàn điện theo quy định;
...
Như vậy, hành vi gài bẫy điện chống trộm để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái với quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đến 70.000.000 đồng.
Đồng thời, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo khoản 8 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 18 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP.
Lưu ý: Mức phạt tiền này áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện
Người có hành vi gài bẫy điện chống trộm gây chết người có được hưởng án treo không?
Căn cứ theo Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về án treo như sau:
Án treo
1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
...
Theo đó, đối với người có hành vi gài bẫy điện chống trộm gây chết người sẽ bị xét xử theo tội giết người như mục 1 đã phân tích.
Mà tội giết người thì có khung hình phạt thấp nhất là 12 năm tù giam. Trong khi án treo chỉ áp dụng đối với những trường hợp phạt tù không quá 03 năm và nhiều tình tiết giảm nhẹ khác.
Do đó, đối với hành vi gài bẫy điện chống trộm gây chết người sẽ không được hưởng án treo theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- vnEdu.vn đăng nhập tra điểm nhanh nhất 2024 dành cho phụ huynh và học sinh?
- Xếp hạng 6 di tích quốc gia đặc biệt đợt 16 năm 2024?
- Tháng 11 âm lịch là tháng mấy dương lịch 2024? Xem lịch âm Tháng 11 2024 chi tiết?
- Mẫu Bản thuyết minh Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp hoạt động liên tục mới nhất 2024?
- Nội dung công việc thực hiện công tác địa chất đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025?