Nội thủy là vùng nước như thế nào? Một số quy định liên quan đến vùng nội thủy Việt Nam?
Nội thủy là vùng nước như thế nào?
Nội thủy là một phần quan trọng của lãnh thổ nước nhà. Tuy nhiên nội thủy là gì thì lại không có quá nhiều người hiểu rõ. Do đó, để tìm hiểu rõ hơn nội thủy là gì có thể tham khảo nội dung sau:
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Biển Việt Nam 2012 giải thích về vùng biển việt nam như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
...
Tại Điều 9 Luật Biển Việt Nam 2012 quy định về nội thủy như sau:
Nội thuỷ
Nội thủy là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.
Theo đó, nội thủy là một phần của vùng biển Việt Nam được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Đây là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.
Nội thủy là vùng nước như thế nào? Một số quy định liên quan đến vùng nội thủy Việt Nam? (Hình từ Internet)
Quyền của quốc gia ven biển đối với vùng nội thủy quy định như thế nào?
Tại Điều 10 Luật Biển 2012 quy định về chế độ pháp lý của nội thuỷ như sau:
Chế độ pháp lý của nội thuỷ
Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy như trên lãnh thổ đất liền.
Tại Điều 25 Công ước về Luật biển năm 1982 quy định về quyền bảo vệ các quốc gia ven biển như sau:
Quyền bảo vệ các quốc gia ven biển
1. Quốc gia ven biển có thể thi hành các biện pháp cần thiết trong lãnh hải của mình để ngăn cản mọi việc đi qua có gây hại.
2. Đối với tàu thuyền đi vào vùng nội thủy hay vào một công trình cảng ở bên ngoài vùng nội thủy đó, quốc gia ven biển cũng có quyền thi hành những biện pháp cần thiết để ngăn ngừa mọi sự vi phạm đối với các điều kiện mà tàu thuyền này buộc phải tuân theo để được phép vào vùng nội thủy hay công trình cảng nói trên.
3. Quốc gia ven biển có thể tạm thời đình chỉ việc thực hiện quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài tại các khu vực nhất định trong lãnh hải của mình, nếu biện pháp này là cần thiết để bảo đảm an ninh của mình, kể cả để thử vũ khí, nhưng không được phân biệt đối xử về mặt pháp lý hay về mặt thực tế giữa các tàu thuyền nước ngoài. Việc đình chỉ này chỉ có hiệu lực sau khi đã được công bố theo đúng thủ tục.
Theo đó, quốc gia ven biển được thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy như trên lãnh thổ đất liền
Ngoài ra, tàu thuyền đi vào vùng nội thủy quốc gia ven biển cũng có quyền thi hành những biện pháp cần thiết để ngăn ngừa mọi sự vi phạm đối với các điều kiện mà tàu thuyền này buộc phải tuân theo để được phép vào vùng nội thủy
Nước ta đang có những chính sách quản lý và bảo vệ biển nào?
Theo Điều 5 Luật Biển Việt Nam 2012 quy định về chính sách quản lý và bảo vệ biển như sau:
- Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế biển.
- Xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng, khai thác, bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo một cách bền vững phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ vào việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển bền vững các vùng biển phù hợp với điều kiện của từng vùng biển và bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; tăng cường thông tin, phổ biến về tiềm năng, chính sách, pháp luật về biển.
- Khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển, bảo hộ hoạt động của tổ chức, công dân Việt Nam ngoài các vùng biển Việt Nam phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, pháp luật quốc tế, pháp luật của quốc gia ven biển có liên quan.
- Đầu tư bảo đảm hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển, nâng cấp cơ sở hậu cần phục vụ cho các hoạt động trên biển, đảo và quần đảo, phát triển nguồn nhân lực biển.
- Thực hiện các chính sách ưu tiên đối với nhân dân sinh sống trên các đảo và quần đảo; chế độ ưu đãi đối với các lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Vùng biển Việt Nam có thể đặt câu hỏi tại đây.