Người cao tuổi có được mua bảo hiểm xã hội tự nguyện hay không?
Người cao tuổi có được mua bảo hiểm xã hội tự nguyện hay không?
Đầu tiên, tại Điều 2 Luật Người cao tuổi 2009 có quy định Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.
Đồng thời, tại khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng có quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH cũng quy định về đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện cụ thể như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi;
b) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;
c) Người lao động giúp việc gia đình;
d) Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;
đ) Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
e) Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;
g) Người lao động đã đủ Điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ Điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
h) Người tham gia khác.
Các đối tượng quy định trên sau đây gọi chung là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Như vậy, có thể hiểu, đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện thì không giới hạn về độ tuổi được phép tham gia mà chỉ cần không thuộc các trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và từ đủ 15 tuổi trở lên là có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Do đó, đối với người cao tuổi nếu có nhu cầu vẫn có thể mua bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định.
Người cao tuổi có được mua bảo hiểm xã hội tự nguyện hay không? (Hình từ Internet)
Người cao tuổi khi mua bảo hiểm xã hội được hưởng quyền lợi như thế nào?
Theo Điều 4 Luật Bảo hiễm xã hội 2014 quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội cụ thể như sau:
Các chế độ bảo hiểm xã hội
1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Hưu trí;
đ) Tử tuất.
2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất.
3. Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.
Theo đó, người cao tuổi khi mua bảo hiểm xã hội được hưởng quyền lợi của 02 chế độ sau đây:
- Chế độ hưu trí.
- Chế độ tử tuất.
Trong đó:
Đối với chế độ hưu trí được quy định tại Điều 71 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì chế độ hưu trí và tử tuất đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện như sau:
- Có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì điều kiện, mức hưởng lương hưu thực hiện theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc; mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở, trừ đối tượng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Có từ đủ 12 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì trợ cấp mai táng được thực hiện theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tuy nhiên, đối với chế độ tử tuất thì người trực tiếp hưởng quyền lợi từ quỹ bảo hiểm xã hội không phải là người cao tuổi mà là thân nhân của người này. Khi người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mất, thân nhân của họ sẽ có cơ hội được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất một lần.
Người cao tuổi được lựa chọn phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần để đủ điều kiện hưởng lương hưu trong trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định về phương thức đóng cụ thể như sau:
Phương thức đóng
Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 2 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
a) Đóng hằng tháng;
b) Đóng 03 tháng một lần;
c) Đóng 06 tháng một lần;
d) Đóng 12 tháng một lần;
đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;
e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này.
Như vậy, theo quy định trên thì người cao tuổi được lựa chọn phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần khi đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội:
Trường hợp 1: Đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm để hưởng lương hưu
Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) đóng BHXH thì được đóng 1 lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Trường hợp 2: Đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm để được hưởng lương hưu
Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức sau đây cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm:
- Đóng hằng tháng;
- Đóng 03 tháng một lần;
- Đóng 06 tháng một lần;
- Đóng 12 tháng một lần;
- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;
Sau khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì người lao động được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?