Người khuyết tật có được học nghề miễn phí không?
Người khuyết tật có được học nghề miễn phí không?
Đầu tiên, tại khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010 có định nghĩa về người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Đồng thời tại Điều 32 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về việc dạy nghề đối với người khuyết tật cụ thể như sau:
Dạy nghề đối với người khuyết tật
1. Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác.
2. Cơ sở dạy nghề có trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận nghề đào tạo khi người khuyết tật học hết chương trình đào tạo và đủ điều kiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề.
3. Cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật phải bảo đảm điều kiện dạy nghề cho người khuyết tật và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
4. Người khuyết tật học nghề, giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Từ những quy định trên, người khuyết tật là một trong những đối tượng được Nhà nước bảo đảm để được tư vấn học nghề miễn phí, được lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác.
Người khuyết tật có được học nghề miễn phí không? (Hình từ Internet)
Chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật như thế nào?
Theo Điều 5 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật cụ thể bao gồm:
- Hàng năm, Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện chính sách về người khuyết tật.
- Phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật.
- Bảo trợ xã hội; trợ giúp người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, giải trí, tiếp cận công trình công cộng và công nghệ thông tin, tham gia giao thông.
- Ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi.
- Lồng ghép chính sách về người khuyết tật trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
- Tạo điều kiện để người khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng; khắc phục khó khăn, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng.
- Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác tư vấn, chăm sóc người khuyết tật.
- Khuyến khích hoạt động trợ giúp người khuyết tật.
- Tạo điều kiện để tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật hoạt động.
- Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp trong việc trợ giúp người khuyết tật.
- Xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật Người khuyết tật 2010 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật cụ thể như sau:
Vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật;
b) Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con hợp pháp của người khuyết tật;
c) Cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;
d) Cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;
đ) Cản trở người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận công nghệ thông tin.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Theo đó, người có hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Lưu ý: Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 130/2021/NĐ-CP).
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?