1. Dạng tật và mức độ khuyết tật
Theo Điều 3 Luật Người khuyết tật 2010 thì quy định về dạng tật và mức độ khuyết tật, như sau:
* Dạng tật bao gồm:
a) Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.
b) Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.
c) Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.
d) Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.
đ) Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.
e) Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp được quy định ở trên.
* Người khuyết tật được chia theo mức độ khuyết tật sau đây:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
b) Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.
c) Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định ở trên
NGƯỜI KHUYẾT TẬT: Tổng hợp các văn bản hướng dẫn (Hình từ Internet)
2. Chính sách hỗ trợ và trách nhiệm của cộng đồng với người khuyết tật
* Chính sách của Nhà nước về người khuyết tật
Theo Điều 5 Luật Người khuyết tật 2010 quy định chính sách của Nhà nước về người khuyết tật, như sau:
- Hàng năm, Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện chính sách về người khuyết tật.
- Phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật.
- Bảo trợ xã hội; trợ giúp người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, giải trí, tiếp cận công trình công cộng và công nghệ thông tin, tham gia giao thông; ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi.
- Lồng ghép chính sách về người khuyết tật trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
- Tạo điều kiện để người khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng; khắc phục khó khăn, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng.
- Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác tư vấn, chăm sóc người khuyết tật.
- Khuyến khích hoạt động trợ giúp người khuyết tật.
- Tạo điều kiện để tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật hoạt động.
- Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp trong việc trợ giúp người khuyết tật.
- Xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
* Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với người khuyết tật
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với người khuyết tật được quy định tại Điều 7 Luật Người khuyết tật 2010
- Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm vận động xã hội trợ giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ xã hội, sống hòa nhập cộng đồng; tham gia xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật và chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật.
- Mọi cá nhân có trách nhiệm tôn trọng, trợ giúp và giúp đỡ người khuyết tật.
* Trách nhiệm của gia đình
Theo Điều 8 Luật Người khuyết tật 2010 thì trách nhiệm của gia đình, bao gồm:
- Gia đình có trách nhiệm giáo dục, tạo điều kiện để thành viên gia đình nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật.
- Gia đình người khuyết tật có trách nhiệm sau đây:
Bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật;
Tạo điều kiện để người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;
Tôn trọng ý kiến của người khuyết tật trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của bản thân người khuyết tật và gia đình;
3. Tổng hợp văn bản hướng dẫn về Người khuyết tật
1
Luật người khuyết tật 2010
Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật. Điều 11 quy định Ngày người khuyết tật Việt Nam Ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày người khuyết tật Việt Nam. Cụ thể Luật quy định như sau:
Chương II Xác nhận khuyết tật
Chương III Chăm sóc sức khỏe
Chương IV Giáo dục
Chương V Dạy nghề và Việc làm
Chương VI Văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch
Chương VII Nhà chung cư, công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông
Chương VIII Bảo trợ xã hội
Chương IX Trách nhiệm của cơ quan nhà nước về công tác người khuyết tật
2
Nghị định 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật người khuyết tật
Nghị định 28/2012/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/06/2012 quy định chi tiết một số điều của Luật người khuyết tật về dạng tật, mức độ khuyết tật và xác định mức độ khuyết tật; chính sách xã hội hóa trợ giúp người khuyết tật; nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên, sản xuất trang thiết bị dành cho người khuyết tật; chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; việc làm cho người khuyết tật; giảm giá vé, giá dịch vụ; thực hiện lộ trình cải tạo công trình công cộng; phương tiện giao thông tiếp cận; bảo trợ xã hội; thành lập, hoạt động, giải thể cơ sở chăm sóc người khuyết tật.
3
Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
Nghị định 20/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/07/2021 quy định về chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; trợ giúp xã hội khẩn cấp và chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội. Những Điều cần lưu ý, như sau:
Điều 5 Đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Điều 6 quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng; Điều 7. Hồ sơ thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng và Thủ tục thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hằng tháng quy định tại Điều 8.
4
Nghị định 76/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
Nghị định 76/2024/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/07/2024 sửa đổi Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Cụ thể sửa đổi khoản 2 Điều 4 Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 là 500.000 đồng/tháng và sửa khoản 3 Điều 4.
5
Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em
Nghị định 130/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2022 quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Đặc biệt các hành vi xử phạt liên quan đến người khuyết tật được quy định từ Điều 11 đến Điều 17.
7
Thông tư 17/2020/TT-BGDĐT Quy định về chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Thông tư 17/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 01/09/2020 quy định chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật mục đích nhằm Chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật quy định về hệ thống kí hiệu ngôn ngữ Việt Nam dành cho người khuyết tật nghe, nói sử dụng. Hệ thống kí hiệu ngôn ngữ Việt Nam trong quy định này bao gồm bảng quy ước mũi tên, bảng kí hiệu chữ cái và các dấu thanh, bảng kí hiệu chữ số và danh mục từ ngữ kí hiệu.
9
Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực ngày 08/08/2021 hướng dẫn về: thôi hưởng, tạm dừng trợ cấp xã hội hàng tháng, kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng; chế độ đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp; hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và thủ tục chuyển mức và hệ số tương ứng.
10
Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH về xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH có hiệu lực ngày 15/03/2019 quy định hoạt động của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; phương pháp xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật quy định cụ thể tại Chương II và Chương III quy định về hồ sơ, thủ tục và trình tự xác định mức độ khuyết tật; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi Giấy xác nhận khuyết tật; kinh phí thực hiện xác định mức độ khuyết tật. Ngoài ra về kinh phí thực hiện được quy định tại Điều 10.
11
Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 20/02/2023 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, bao gồm: tổ chức bộ máy; hoạt động; giáo viên, nhân viên; trẻ em, học sinh và học viên; tài chính và tài sản; quan hệ giữa Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập với các cơ quan, tổ chức khác.
12
Thông tư 26/2012/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 28/2012/NĐ-CP thi hành một số điều của Luật người khuyết tật do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Thông tư 26/2012/TT-BLĐTBXH có hiệu lực ngày 26/12/2012 quy định về xác định tỷ lệ lao động là người khuyết tật (Điều 2); hồ sơ, thủ tục và trình tự để công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hưởng ưu đãi (Điều 3); xác định mức trợ cấp xã hội, chăm sóc hàng tháng (Điều 4); mức hỗ trợ người khuyết tật sống trong cơ sở bảo trợ xã hội (Điều 5); Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã (Điều 6); điều kiện, thẩm quyền đưa người khuyết tật đang nuôi dưỡng và chăm sóc trong cơ sở bảo trợ xã hội về sống tại gia đình.
13
Thông tư 18/2018/TT-BLĐTBXH sửa đổi thông tư liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thông tư 18/2018/TT-BLĐTBXH có hiệu lực ngày 18/12/2018 sửa đổi các thông tư liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
14
Quyết định 53/QĐ-BTP Kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý năm 2024 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
Quyết định 53/QĐ-BTP năm 2024 có hiệu lực ngày 15/01/2024 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý năm 2024. Nhằm mục đích:
- Tăng cường việc triển khai có hiệu quả chính sách, pháp luật trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về các quyền của người khuyết tật bảo đảm người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
- Tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến người khuyết tật.
15
Quyết định 2170/QĐ-BYT năm 2022 về tài liệu "Hướng dẫn phục hồi chức năng theo nhóm cho trẻ khuyết tật" do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Quyết định 2170/QĐ-BYT năm 2022 có hiệu lực ngày 05/08/2022 ban hành tài liệu “Hướng dẫn phục hồi chức năng theo nhóm cho trẻ khuyết tật”.
16
Quyết định 1257/QĐ-BLĐTBXH năm 2024 về Kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Quyết định 1257/QĐ-BLĐTBXH năm 2024 có hiệu lực ngày 12/08/2024 ban hành kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Đối tượng bao gồm người khuyết tật, ưu tiên người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn; hộ gia đình có người khuyết tật; các tổ chức của và vì người khuyết tật và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến người khuyết tật.
17
Thông tư liên tịch 34/2012/TTLT- BYT-BLĐTBXH hướng dẫn xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng Giám định y khoa thực hiện của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Thông tư 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH có hiệu lực ngày 20/03/2013 quy định trình tự và thủ tục hồ sơ khám giám định để xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng Giám định y khoa thực hiện. Chú ý các quy định sau:
Điều 5 Quy định hồ sơ khám giám định; Điều 6 về hồ sơ khám giám định phúc quyết; Điều 10 Quy trình khám giám định y khoa; Điều 12 Thời gian có hiệu lực pháp lý của biên bản xác định mức độ khuyết tật và Điều 13 quy định phí khám giám định y khoa.
18
Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành
Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC có hiệu lực ngày 05/03/2014 quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật, bao gồm: ưu tiên nhập học và tuyển sinh (Điều 2); miễn, giảm một số nội dung môn học, môn học hoặc hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục (Điều 3); đánh giá kết quả giáo dục (Điều 4); chính sách về học phí (Điều 6); chính sách về học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập (Điều 7). Ngoài ra Điều 8 còn quy định trình tự, thủ tục hồ sơ và phương thức chi trả học bổng và hỗ trợ mua phương tiện, đồ dùng học tập dùng riêng cho người khuyết tật quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch này.