Thủ tục mua lại công cụ nợ của Chính phủ đã đăng ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam?
Công cụ nợ của Chính phủ gồm những gì?
Căn cứ theo Điều 27 Luật Quản lý nợ công 2017 quy định về phát hành công cụ nợ tại thị trường vốn trong nước như sau:
Phát hành công cụ nợ tại thị trường vốn trong nước
1. Các công cụ nợ của Chính phủ bao gồm:
a) Trái phiếu Chính phủ;
b) Tín phiếu Kho bạc;
c) Công trái xây dựng Tổ quốc.
2. Căn cứ kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm được phê duyệt, Bộ Tài chính tổ chức phát hành công cụ nợ của Chính phủ.
3. Việc phát hành công cụ nợ được thực hiện theo hình thức đấu thầu, bảo lãnh phát hành hoặc phát hành riêng lẻ.
4. Toàn bộ tiền vay của Chính phủ được hạch toán vào ngân sách trung ương. Chính phủ bố trí đủ nguồn trả nợ gốc, lãi và các khoản chi phí có liên quan đến việc huy động; trả nợ khi đến hạn.
5. Chính phủ quy định việc phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, các công cụ nợ của Chính phủ bao gồm:
- Trái phiếu Chính phủ;
- Tín phiếu Kho bạc;
- Công trái xây dựng Tổ quốc.
Thủ tục mua lại công cụ nợ của Chính phủ đã đăng ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam? (Hình từ Internet)
Thủ tục mua lại công cụ nợ của Chính phủ đã đăng ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam?
Căn cứ theo Điều 7 Thông tư 110/2018/TT-BTC quy định về các bước mua lại công cụ nợ đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam như sau:
Bước 1: Tối thiểu 05 ngày làm việc trước ngày tổ chức mua lại, chủ thể tổ chức phát hành công bố thông tin về đợt mua lại công cụ nợ trên trang điện tử của chủ thể tổ chức phát hành, Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Bước 2: Căn cứ thông báo về đợt mua lại công cụ nợ, chủ sở hữu hoặc tổ chức được chủ sở hữu ủy quyền thực hiện đăng ký bán lại công cụ nợ với chủ thể tổ chức phát hành
Lưu ý: Các đơn đăng ký bán lại nộp sau ngày đăng ký bán lại cuối cùng là không hợp lệ.
Bước 3: Sau ngày cuối cùng đăng ký bán lại công cụ nợ, căn cứ thông tin đăng ký bán lại, chủ thể tổ chức phát hành thông báo cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam để phong tỏa số công cụ nợ đăng ký bán lại
Bước 4: Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thực hiện phong tỏa số công cụ nợ đăng ký bán lại của chủ sở hữu và thông báo cho chủ thể tổ chức phát hành về việc phong tỏa.
Bước 5: Vào ngày tổ chức mua lại, căn cứ thông tin đăng ký bán lại của chủ sở hữu, thông báo phong tỏa công cụ nợ đăng ký bán lại của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, chủ thể tổ chức phát hành thực hiện thỏa thuận, thống nhất với các chủ sở hữu hoặc tổ chức được chủ sở hữu ủy quyền về điều khoản mua lại công cụ nợ.
Bước 6: Trên cơ sở kết quả thỏa thuận, trong ngày tổ chức mua lại chủ thể tổ chức phát hành và chủ sở hữu hoặc tổ chức được chủ sở hữu ủy quyền ký hợp đồng về việc mua lại công cụ nợ
Bước 7: Chậm nhất 01 ngày làm việc sau ngày tổ chức mua lại, chủ thể tổ chức phát hành thông báo cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán kết quả thỏa thuận mua lại
Bước 8: Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam tiếp tục phong tỏa đối với công cụ nợ đã ký hợp đồng mua lại và ngừng phong tỏa đối với công cụ nợ không được mua lại.
Bước 9: Vào ngày mua lại công cụ nợ theo hợp đồng đã ký với chủ sở hữu, chủ thể tổ chức phát hành chuyển tiền mua lại công cụ nợ cho chủ sở hữu công cụ nợ
Bước 10: Kết thúc đợt mua lại, chủ thể tổ chức phát hành công bố thông tin về kết quả mua lại công cụ nợ.
Ai được mua công cụ nợ của Chính phủ?
Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng mua công cụ nợ của Chính phủ như sau:
Đối tượng mua công cụ nợ của Chính phủ
1. Đối tượng mua công cụ nợ của Chính phủ phát hành tại thị trường trong nước:
a) Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được mua công cụ nợ của Chính phủ với khối lượng không hạn chế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Các quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện được mua công cụ nợ của Chính phủ thông qua việc ủy thác cho tổ chức quản lý quỹ thực hiện;
c) Các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được mua công cụ nợ của Chính phủ theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Đối tượng mua công cụ nợ của Chính phủ phát hành trên thị trường quốc tế là tổ chức, cá nhân theo quy định của thị trường phát hành.
Theo đó, đối tượng được mua công cụ nợ của Chính phủ quy định như sau:
(1) Đối với công cụ nợ của Chính phủ phát hành tại thị trường trong nước:
- Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Các quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện;
- Các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách
(2) Đối với công cụ nợ của Chính phủ phát hành trên thị trường quốc tế: tổ chức, cá nhân theo quy định của thị trường phát hành.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?
- Xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh như thế nào từ ngày 01/01/2025?