Có ghi tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong sổ đỏ không?
Có ghi tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong sổ đỏ không?
Tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT có quy định về thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của sổ đỏ như sau:
Thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận
1. Ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận theo quy định sau:
...
d) Trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân, địa chỉ thường trú của cả vợ và chồng như quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này;
Tại khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai 2013 có quy định về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:
Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
...
4. Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.
Tại khoản 4 Điều 18 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT có quy định về nội dung xác nhận thay đổi vào cấp Giấy chứng nhận đã cấp như sau:
Nội dung xác nhận thay đổi vào cấp Giấy chứng nhận đã cấp
Nội dung xác nhận thay đổi được ghi vào cột "Nội dung thay đổi và cơ sở pháp lý" trên Giấy chứng nhận trong các trường hợp như sau:
...
4. Trường hợp chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành của chung hai vợ chồng thì ghi "Chuyển quyền... (ghi loại tài sản chuyển quyền) của... (ghi tên người chồng hoặc vợ đã chuyển quyền) thành của chung Ông... và vợ là Bà... (ghi tên và địa chỉ của hai vợ chồng) theo hồ sơ số... (ghi mã hồ sơ thủ tục đăng ký)".
Như vậy, nếu quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì ghi cả thông tin của cả vợ và chồng, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Mặt khác, khi tài sản không có căn cứ để chứng minh là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Do đó, trên sổ đỏ không ghi tài sản nào là tài sản chung và tài sản nào là tài sản riêng. Trường hợp nếu vợ, chồng có thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung thì sẽ được ghi chú vào Sổ đỏ.
Có ghi tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong sổ đỏ không? (Hình từ Internet)
Khi nào quyền sử dụng đất có được sau kết hôn được xác định là tài sản riêng?
Tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:
Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Như vậy, quyền sử dụng đất có được sau kết hôn được xác định là tài sản riêng khi vợ hoặc chồng được:
- Thừa kế riêng;
- Được tặng cho riêng hoặc
- Có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng là khi nào?
Tại Điều 39 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như sau:
- Là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
- Nếu tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.
- Nếu Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Lưu ý: Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô tặng cho những ai?
- Ngày 31 tháng 1 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm? Ngày 31/1/2025 là mùng mấy tết?
- Thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra hình sự Công an cấp huyện như thế nào?
- Tín hiệu bằng tay khi qua đường là gì? Không vẫy tay khi sang đường có bị phạt không?