Sự khác nhau cơ bản giữa chức danh và chức vụ là gì?
Sự khác nhau cơ bản giữa chức danh và chức vụ là gì?
Hiện nay trong các văn bản pháp luật chưa có định nghĩa cụ thể cho chức danh và chức vụ là gì, tuy nhiên để hiểu thế nào là chức danh và chức vụ thì có thể tham khảo nội dung sau:
Theo từ điển luật học thì chức danh và chức vụ được giải thích như sau:
Chức danh
Là bổn phận và sự ghi nhận một vị trí được tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức chính trị... hợp pháp công nhận. Ví dụ như giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân...
Người có chức vụ
Là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ (theo Bộ luật Hình sự 2015)
Theo đó, chức vụ có thể hiểu là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ vị trí, địa vị, vai trò của một cá nhân trong một tổ chức, một tập thể. Chức vụ thường gắn liền với quyền hạn và trách nhiệm của người đảm nhiệm chức vụ đó.
So sánh sự khác nhau giữa chức danh và chức vụ:
Tiêu chí so sánh | Chức danh | Chức vụ |
Khái niệm | Là bổn phận và sự ghi nhận một vị trí được tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức chính trị... hợp pháp công nhận. Ví dụ như giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân... | Chức vụ có thể hiểu là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ vị trí, địa vị, vai trò của một cá nhân trong một tổ chức, một tập thể. Chức vụ thường gắn liền với quyền hạn và trách nhiệm của người đảm nhiệm chức vụ đó. |
Sự công nhận | Chức danh được sự công nhận của xã hội, đây là công nhận quá trình phấn đấu của một cá nhân để có được một chức danh đó. Quá trình phấn đấu của cá nhân thông qua nghiên cứu và học tập, tuyển dụng và làm việc. | Bên cạnh sự công nhận của xã hội, chức vụ cũng cần phải đạt được sự thừa nhận từ tổ chức, công ty. Chức vụ phải được sự công nhận của tổ chức về vị trí, quyền hạn và chức năng mà cá nhân đang nắm giữ. Cá nhân không thể có được chức vụ nếu không có sự công nhận của tổ chức. |
Chức năng | Người nắm giữ chức danh thực hiện chức danh của mình gắn liền với tên gọi. Ví dụ: Giáo viên (dạy học); bác sĩ (chữa bệnh) | Người giữ chức vụ thường có nhiều chức năng khác nhau vì vậy chức năng của chức vụ sẽ được tổ chức quy định cụ thể. |
Đơn vị quản lý | Người nắm giữ chức danh có thể được hoặc không được quản lý bởi một tổ chức, đơn vị nào đó vì nó được công nhận bởi xã hội | Người nắm giữ một chức vụ bắt buộc phải chịu sự quản lý của cơ quan, tổ chức cụ thể vì một trong những đặc điểm cơ bản của chức vụ là được một tổ chức đơn vị công nhận. Khi đó, chức vụ mà người đó nắm giữ mới có hiệu lực. |
Sự khác nhau cơ bản giữa chức danh và chức vụ là gì? (hình từ Internet)
Chức danh nghề nghiệp viên chức là gì? Quy định về xếp hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hiện nay?
Theo Điều 8 Luật Viên chức 2010 quy định về chức danh nghề nghiệp như sau:
Chức danh nghề nghiệp
1. Chức danh nghề nghiệp là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp.
2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định hệ thống danh mục, tiêu chuẩn và mã số chức danh nghề nghiệp.
Tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về chức danh nghề nghiệp viên chức như sau:
Chức danh nghề nghiệp viên chức
...
2. Căn cứ vào mức độ phức tạp công việc của chức danh nghề nghiệp, các chức danh nghề nghiệp viên chức trong cùng một lĩnh vực sự nghiệp được xếp hạng từ cao xuống thấp như sau:
a) Chức danh nghề nghiệp hạng I;
b) Chức danh nghề nghiệp hạng II;
c) Chức danh nghề nghiệp hạng III;
d) Chức danh nghề nghiệp hạng IV;
đ) Chức danh nghề nghiệp hạng V.
Theo đó, chức danh nghề nghiệp viên chức là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp được phân hạng theo mức độ phức tạp công việc của chức danh nghề nghiệp như sau:
- Chức danh nghề nghiệp hạng 1;
- Chức danh nghề nghiệp hạng 2;
- Chức danh nghề nghiệp hạng 3;
- Chức danh nghề nghiệp hạng 4;
- Chức danh nghề nghiệp hạng 5.
Khi nào thì viên chức sẽ được thay đổi chức danh nghề nghiệp?
Theo Điều 29 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về thay đổi chức danh nghề nghiệp như sau:
Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện trong 03 trường hợp sau:
- Xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác tương ứng cùng mức độ phức tạp công việc theo yêu cầu của vị trí việc làm;
- Thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;
- Xét thăng hạng đặc cách vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn tương ứng với chức danh được công nhận, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Thư gửi thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2024?
- Diện tích tối thiểu tách thửa đất ở tại tỉnh Đồng Tháp từ ngày 11/11/2024?
- Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng có phải là căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương?
- Từ 1/1/2025, được hưởng trợ cấp tai nạn lao động một lần trong trường hợp nào?
- Trình tự, thủ tục thành lập khu kinh tế như thế nào?