Phân biệt công ty TNHH 1 thành viên và 2 thành viên trở lên theo quy định mới nhất hiện nay?
Quy định về người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH như thế nào?
Theo khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như sau:
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
......
Theo đó, người đại diện theo pháp luât của công ty TNHH là cá nhân đại diện cho công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch.
Ngoài ra, người đại diện của công ty TNHH có thể đại diện cho doanh nghiệp với tư cách là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trước Tòa án, Trọng tài,....
Mặt khác, người đại diện của công ty TNHH có thể là một hoặc nhiều người đại diện. Số lượng người đại diện, quyền và nghĩa vụ mỗi người đại diện được quy định cụ thể theo Điều lệ công ty.
Phân biệt công ty TNHH 1 thành viên và 2 thành viên trở lên theo quy định mới nhất hiện nay? (Hình từ Internet).
Công ty TNHH có nghĩa vụ như thế nào đối với hoạt động kinh doanh?
Căn cứ tại Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp. Theo đó, trong hoạt động kinh doanh, công ty TNHH có các nghĩa vụ như sau:
- Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đối với từng ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật và đảm bảo duy trì các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp,
- Công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
- Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo ngoài ra phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin khi có sự sai sót.
- Tổ chức công tác kế toán,
- Thực hiện nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật.
- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Phân biệt công ty TNHH 1 thành viên và 2 thành viên trở lên theo quy định mới nhất hiện nay?
Phân biệt công ty TNHH 1 thành viên và 2 thành viên trở lên theo quy định mới nhất được trình bày như sau:
(1) Giống nhau:
Căn cứ theo Điều 46, Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020, những điểm giống nhau cơ bản của công ty TNHH 1 thành viên và công ty TNHH 2 thành viên trở lên bao gồm:
- Đều là một loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020.
- Đều có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Đều chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn góp của mình.
- Đều không được phát hành cổ phần.
- Đều được phát hành trái phiếu theo quy đinh của luật.
- Trình tự thủ tục đăng ký thành lập, giải thể, phá sản được quy định như nhau.
- Đều có thể điều chỉnh vốn điều lệ theo quy định pháp luật.
(2) Khác nhau:
STT | Nội dung | Công ty TNHH 1 thành viên | Công ty TNHH 2 thành viên trở lên |
1 | Số lượng thành viên | Do 01 tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020) | Có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân (Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020) |
2 | Vốn điều lệ | Tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp (Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020) | Tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp (Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020) |
3 | Chủ thể chịu trách nhiệm về khoản nợ và nghĩa vụ tài sản | Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ (Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020) | Thành viên chịu trách nhiệm phạm vi số vốn đã góp (Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020) |
4 | Điều chỉnh vốn điều lệ | Tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Giảm vốn điều lệ khi: - Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty; - Vốn điều lệ không được chủ sở hữu công ty thanh toán đầy đủ và đúng hạn (Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020) | Tăng vốn điều lệ trong trường hợp: + Tăng vốn góp của thành viên. + Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới. Giảm vốn điều lệ khi mua lại phần vốn góp của thành viên (Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2020) |
5 | Chuyển nhượng vốn góp | Chủ sở hữu công ty có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ (Điều 76 Luật Doanh nghiệp 2020) | Thành viên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo các trường hợp sau: - Chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty - Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán, nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết thì chuyển nhượng cho người khác không phải thành viên của công ty với cùng điều kiện chào bán. (Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020) |
6 | Cơ cấu tổ chức | Lựa chọn hoạt động 01 trong 02 mô hình gồm: - Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. - Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. - Là doanh nghiệp nhà nước phải thành lập Ban kiểm soát (Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2020) | Có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Là doanh nghiệp nhà nước phải thành lập Ban kiểm soát (Điều 54 Luật Doanh nghiệp 2020) |
7 | Hội đồng thành viên | Có từ 03 đến 07 thành viên (Điều 80 Luật Doanh nghiệp 2020) | Tất cả thành viên công ty là cá nhân và người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức (Điều 55 Luật Doanh nghiệp 2020) |
8 | Giám đốc, Tổng giám đốc | Do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (Điều 82 Luật Doanh nghiệp 2020) | Do Hội đồng thành viên bầu (Điều 59 Luật Doanh nghiệp 2020) |
9 | Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên | Chủ tịch công ty do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm. Chủ tịch Hội đồng thành viên do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm hoặc do các thành viên Hội đồng thành viên bầu (khoản 3, Điều 80, Điều 81 Luật Doanh nghiệp 2020) | Không có Chủ tịch công ty. Có Chủ tịch Hội đồng thành viên do Hội đồng thành viên bầu (Điều 56 Luật Doanh nghiệp 2020) |
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thủ tướng yêu cầu bảo đảm công chức viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán 2025?
- Vòng chung kết cuộc thi Festival Trạng nguyên Tiếng Anh 2025 diễn ra vào ngày nào?
- Đã có thông báo thu hồi đất, có được mua bán đất nữa không?
- Đơn đề nghị tập huấn cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe mới nhất hiện nay?
- Nút ấn báo cháy được lắp ở đâu? Mẫu tem kiểm định nút ấn báo cháy là mẫu nào?