Kinh doanh quán bar tại chung cư có thể bị xử phạt?
Có được quyền mở quán bar tại chung cư hay không?
Căn cứ quy định khoản 6 Điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định về các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư như sau:
Các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư
...
6. Cấm kinh doanh các ngành nghề, hàng hóa sau đây trong phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư:
a) Vật liệu gây cháy nổ và các ngành nghề gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy;
b) Kinh doanh vũ trường; sửa chữa xe có động cơ; giết mổ gia súc; các hoạt động kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke, quán bar thì phải bảo đảm cách âm, tuân thủ yêu cầu về phòng, chống cháy nổ, có nơi thoát hiểm và chấp hành các điều kiện kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo như quy định pháp luật thì việc kinh doanh quán bar ở chung cư là được phép. Tuy nhiên, khi thực hiện kinh doanh quán bar tại chung cư cần phải bảo đảm cách âm, tuân thủ yêu cầu về phòng, chống cháy nổ, có nơi thoát hiểm và chấp hành các điều kiện kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Kinh doanh quán bar tại chung cư có thể bị xử phạt? (Hình từ internet)
Kinh doanh quán bar tại chung cư có thể bị xử phạt?
Căn cứ quy định khoản 1 Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với người sử dụng nhà chung cư như sau:
Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với người sử dụng nhà chung cư
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Gây thấm, dột căn hộ chung cư không thuộc quyền sở hữu, quản lý, sử dụng của mình;
b) Sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc;
c) Kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ, dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc dịch vụ giết mổ gia súc;
d) Kinh doanh nhà hàng, karaoke, quán bar tại phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư nhưng không đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định;
đ) Hoạt động kinh doanh tại phần diện tích không dùng để kinh doanh của nhà chung cư theo quy định;
e) Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.
...
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, điểm a, điểm b khoản 2 Điều này;
b) Buộc chuyển kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ ra khỏi địa bàn dân cư hoặc buộc không sử dụng dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc buộc không kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc ở khu vực nhà chung cư với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
c) Buộc đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
d) Buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở với hành vi quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;
đ) Buộc trả lại phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
e) Buộc sử dụng đúng phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp với hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.
Như vậy, trường hợp kinh doanh quán bar tại phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư nhưng không đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Bên cạnh đó còn có biên pháp khắc phục hậu quả buộc đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Đăng ký kinh doanh ở cơ quan nào?
Căn cứ quy định Điều 14 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về cơ quan đăng ký kinh doanh như sau:
Cơ quan đăng ký kinh doanh
1. Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), bao gồm:
a) Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh).
Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh;
b) Ở cấp huyện: Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi chung là Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).
2. Cơ quan đăng ký kinh doanh có tài khoản và con dấu riêng.
Như vậy, Có thể thực hiện đăng kí kinh doanh tại tại cơ quan sau:
- Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Ở cấp huyện: Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo thành tích cá nhân của Phó hiệu trưởng mới nhất năm 2024?
- Hướng dẫn xóa thí sinh khỏi danh sách Vòng 6 Trạng Nguyên Tiếng Việt tại quantri.trangnguyen.edu.vn?
- Tháng 10 âm lịch 2024 kết thúc vào ngày nào? Tháng 10 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 10 âm lịch năm 2024 có sự kiện gì?
- Cách viết trách nhiệm của cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể trong bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2024?
- Giám đốc BHXH cấp tỉnh có quyền xử phạt hành vi cho mượn thẻ bảo hiểm y tế không?