Học sinh có hành vi bạo lực học đường bằng việc làm nhục khiến nạn nhân tự tử có bị xử lý hình sự?
Có các biện pháp nào nhằm phòng chống bạo lực học đường?
Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường quy định về phòng chống bao lực học đường như sau:
Phòng, chống bạo lực học đường
1. Biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường:
a) Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân;
b) Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học;
c) Công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường;
d) Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường;
đ) Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.
2. Biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường:
a) Phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường, người học có nguy cơ bị bạo lực học đường;
b) Đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể;
c) Thực hiện tham vấn, tư vấn cho người học có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực.
3. Biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường:
a) Đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của người học, đưa ra nhận định về tình trạng hiện thời của người học;
b) Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế, tư vấn đối với người học bị bạo lực; theo dõi, đánh giá sự an toàn của người bị bạo lực;
c) Thông báo kịp thời với gia đình người học để phối hợp xử lý; trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục thì thông báo kịp thời với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, để phòng chống bạo lực học đường Chính phủ đã ban hành các biện pháp phòng chống bạo lực học đường, bao gồm:
- Biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường.
- Biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường.
- Biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường.
Học sinh có hành vi bạo lực học đường bằng việc làm nhục khiến nạn nhân tự tử có bị xử lý hình sự? (Hình từ Internet)
Sinh viên bạo lực học đường bằng việc làm nhục khiến nạn nhân tự tử bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 không có quy định về tội danh bạo lực học đường mà tùy thuộc vào mặt khách quan của tội phạm và hậu quả để lại để xác định tội danh, hình phạt.
Do đó bạo lực học đường được thực hiện dưới nhiều hành vi khác nhau. Trong đó, hành vi làm nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm bạn học khiến nạn nhân rơi vào trầm cảm, tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề và tự tử xảy ra tương đối phổ biến.
Theo đó, hành vi làm nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm ban học được xác định là hành vi làm nhục người khác.
Căn cứ tại khoản 3 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 bị thay thế bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội làm nhục người khác như sau:
Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, người có hành vi bạo lực học đường bằng việc làm nhục khiến nạn nhân tự tử bị xử lý theo điểm b khoản 3 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 với mức xử phạt tù lên đến 05 tù giam.
Học sinh có hành vi bạo lực học đường bằng việc làm nhục khiến nạn nhân tự tử có bị xử lý hình sự?
Căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự có các trường hợp sau:
- Người từ đủ 16 tuổi trở lên: Chịu trách nhiệm về mọi tội phạm
- Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi: Phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, đối chiếu với các quy định trên có thể kết luận học sinh có hành vi bạo lực học đường bằng việc làm nhục khiến nạn nhân tự tử sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự như sau:
- Học sinh từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội: Phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.
- Học sinh từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội: Phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi làm nhục người khác khiến nạn nhân tự tử được xác định là tội phạm nghiêm trọng (điểm b khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
Trong đó, mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được nêu rõ tại Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015, bao gồm:
- Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: Mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù điều luật quy định.
- Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: Mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù điều luật quy định.
- Còn với học sinh dưới 14 tuổi phạm tội trong trường hợp này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự với bất kỳ tội phạm nào.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ chỉ chịu thuế bảo vệ môi trường là giá nào?
- Lịch thi Violympic cấp huyện 2024 - 2025 chi tiết nhất? Còn mấy ngày nữa thi?
- Còn bao nhiêu ngày nữa tới mùng 2 Tết 2025? Lịch âm tháng 1 2025 có mấy ngày chủ nhật?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 12 âm lịch 2024, NLĐ được nghỉ Tết Dương lịch 2025 chưa?
- Tiền thưởng Tết 2025 của người lao động có tính đóng bảo hiểm xã hội không?