Cách xác định nguyên giá tài sản cố định trong trường hợp thay đổi nguyên giá tài sản cố định như thế nào?

Cho tôi hỏi cách xác định nguyên giá tài sản cố định trong trường hợp thay đổi nguyên giá tài sản cố định như thế nào? Mong được giải đáp thắc mắc!

Khi nào thì được thay đổi nguyên giá tài sản cố định?

Căn cứ tại Điều 9 Thông tư 23/2023/TT-BTC quy định về thay đổi nguyên giá tài sản cố định như sau:

Thay đổi nguyên giá tài sản cố định
1. Nguyên giá tài sản cố định được thay đổi trong các trường hợp sau:
a) Đánh giá lại giá trị tài sản cố định khi thực hiện kiểm kê theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
b) Thực hiện nâng cấp, mở rộng tài sản cố định theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
c) Tháo dỡ một hay một số bộ phận tài sản cố định (trong trường hợp giá trị bộ phận tài sản cố định tháo dỡ đang được hạch toán chung trong nguyên giá tài sản cố định).
d) Lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định.
đ) Tài sản cố định bị mất một phần hoặc hư hỏng nghiêm trọng do thiên tai, sự cố bất khả kháng hoặc những tác động đột xuất khác (trừ trường hợp tài sản đã được khôi phục lại thông qua bảo hiểm tài sản công).
e) Điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất đối với các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư này theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 103 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
2. Khi phát sinh việc thay đổi nguyên giá tài sản cố định trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện lập Biên bản thay đổi nguyên giá tài sản cố định ghi rõ: Lý do (trường hợp) thay đổi nguyên giá, nguyên giá trước và sau khi thay đổi. Khi phát sinh việc thay đổi nguyên giá tài sản cố định trong trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện lập văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Đồng thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải xác định lại chỉ tiêu nguyên giá của tài sản cố định làm cơ sở xác định mức hao mòn, khấu hao, giá trị còn lại của tài sản cố định để điều chỉnh sổ kế toán và thực hiện kế toán tài sản theo quy định tại Thông tư này.

Như vậy, nguyên giá tài sản cố định sẽ thay đổi trong các trường hợp sau:

- Đánh giá lại giá trị tài sản cố định khi thực hiện kiểm kê;

- Thực hiện nâng cấp, mở rộng tài sản cố định theo dự án được phê duyệt;

- Tháo dỡ một hay một số bộ phận tài sản cố định;

- Lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định;

- Tài sản cố định bị mất một phần hoặc hư hỏng nghiêm trọng do nguyên nhân bất khả kháng;

- Điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Cách xác định nguyên giá tài sản cố định trong trường hợp thay đổi nguyên giá tài sản cố định như thế nào? (Hình từ Internet)

Cách xác định nguyên giá tài sản cố định trong trường hợp thay đổi nguyên giá tài sản cố định như thế nào?

Căn cứ tại Điều 10 Thông tư 23/2023/TT-BTC quy định về xác định nguyên giá tài sản cố định trong trường hợp thay đổi nguyên giá tài sản cố định như sau:

- Đối với trường hợp đánh giá lại giá trị tài sản cố định khi thực hiện kiểm kê thì nguyên giá tài sản cố định được xác định lại theo hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền về kiểm kê, đánh giá lại tài sản.

- Đối với trường hợp thực hiện nâng cấp, mở rộng tài sản cố định theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt thì nguyên giá tài sản cố định được xác định lại bằng (=) nguyên giá đang hạch toán cộng (+) phần giá trị tăng thêm do nâng cấp, mở rộng tài sản cố định. Trong đó, phần giá trị tăng thêm do nâng cấp, mở rộng tài sản cố định là giá trị quyết toán được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.

- Đối với trường hợp tháo dỡ một hay một số bộ phận tài sản cố định thì nguyên giá tài sản cố định được xác định lại bằng (=) nguyên giá đang hạch toán trừ (-) phần giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ cộng (+) chi phí hợp lý liên quan trực tiếp đến việc tháo dỡ mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã chi ra tính đến thời điểm hoàn thành việc tháo dỡ.

Trong đó, phần giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ được xác định như sau:

+ Trường hợp có hồ sơ xác định giá mua, giá trị quyết toán/giá trị dự toán của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ thì phần giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ được xác định theo giá mua, giá trị quyết toán/giá trị dự toán của bộ phận tài sản cố định đó.

+ Trường hợp không có hồ sơ quy định tại điểm a khoản này nhưng phân bổ được nguyên giá của tài sản cố định cho bộ phận tài sản cố định tháo dỡ theo tiêu chí phù hợp thì phần giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ được xác định theo giá trị phân bổ.

+ Trường hợp không có hồ sơ xác định giá mua, giá trị quyết toán/giá trị dự toán của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ và không phân bổ được nguyên giá của tài sản cố định cho bộ phận tài sản cố định tháo dỡ theo theo tiêu chí phù hợp thì xác định phần giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ là giá mua mới của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ trên thị trường tại thời điểm đưa tài sản vào sử dụng.

Trường hợp không xác định được giá mua mới của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ trên thị trường tại thời điểm đưa tài sản vào sử dụng thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có tài sản thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá để xác định giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ làm căn cứ xác định nguyên giá tài sản cố định sau khi tháo dỡ.

- Đối với trường hợp lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định thì nguyên giá tài sản cố định được xác định lại bằng (=) nguyên giá đang hạch toán cộng (+) phần giá trị tăng do lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định cộng (+) chi phí hợp lý liên quan trực tiếp đến việc lắp đặt mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã chi ra tính đến thời điểm hoàn thành việc lắp đặt.

Trong đó, phần giá trị tăng do lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định là giá trị tương ứng của bộ phận tài sản cố định được lắp đặt thêm xác định theo các trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư 23/2023/TT-BTC.

- Đối với trường hợp tài sản cố định bị mất một phần hoặc hư hỏng nghiêm trọng do thiên tai, sự cố bất khả kháng hoặc những tác động đột xuất khác thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có tài sản thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá để đánh giá lại giá trị tài sản, thời gian tính hao mòn còn lại của tài sản để ghi vào Biên bản thay đổi nguyên giá tài sản cố định. Nguyên giá tài sản cố định trong trường hợp này được xác định lại là giá trị của tài sản cố định theo đánh giá lại.

- Đối với trường hợp điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất thì nguyên giá tài sản được xác định lại là giá trị quyền sử dụng đất được xác định theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 102 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP trên cơ sở các chỉ tiêu (giá đất, diện tích đất, mục đích sử dụng đất) sau khi thay đổi (nếu có) cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được khấu trừ, hoàn lại) và các khoản phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Việc tính hao mòn, trích khấu hao tài sản cố định phải tuân theo những nguyên tắc gì?

Căn cứ tại Điều 12 Thông tư 23/2023/TT-BTC quy định về nguyên tắc tính hao mòn, trích khấu hao tài sản cố định như sau:

Nguyên tắc tính hao mòn, trích khấu hao tài sản cố định
1. Nguyên tắc tính hao mòn tài sản cố định
a) Việc tính hao mòn tài sản cố định thực hiện mỗi năm 01 lần vào tháng 12, trước khi khóa sổ kế toán.
b) Tài sản cố định quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Thông tư này thực hiện tính hao mòn và trích khấu hao tài sản cố định theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.
c) Đối với tài sản cố định mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận từ cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khác theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong năm thì việc tính hao mòn trong năm đó được thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản.
2. Nguyên tắc trích khấu hao tài sản cố định
a) Nguyên tắc trích khấu hao tài sản cố định đối với tài sản cố định quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư này thực hiện theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp.
b) Đối với tài sản cố định quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Thông tư này thì việc trích khấu hao tài sản cố định được thực hiện từ ngày tài sản cố định được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và dừng trích khấu hao tài sản cố định từ sau ngày kết thúc việc sử dụng tài sản cố định vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
c) Chi phí khấu hao tài sản cố định phải được phân bổ cho từng hoạt động sự nghiệp, từng hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để hạch toán chi phí của từng hoạt động tương ứng.

Như vậy, các nguyên tắc cần nhớ khi thực hiện tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định gồm:

- Thực hiện mỗi năm 01 lần vào tháng 12, trước khi khóa sổ kế toán;

- Tài sản cố định quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Thông tư 23/2023/TT-BTC thực hiện tính hao mòn và trích khấu hao tài sản cố định theo quy định tại Điều 15 Thông tư 23/2023/TT-BTC quy định về trích khấu hao tài sản cố định tại sự nghiệp công lập;

- Đối với tài sản cố định mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận từ cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khác trong năm thì việc tính hao mòn trong năm đó được thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản.

- Nguyên tắc trích khấu hao tài sản cố định đối với tài sản cố định quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư 23/2023/TT-BTC thực hiện theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp;

- Đối với tài sản cố định quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Thông tư 23/2023/TT-BTC thì việc trích khấu hao tài sản cố định được thực hiện từ ngày tài sản cố định được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và dừng trích khấu hao tài sản cố định từ sau ngày kết thúc việc sử dụng tài sản cố định vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

- Chi phí khấu hao tài sản cố định được phân bổ cho từng hoạt động sự nghiệp, kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để hạch toán chi phí của từng hoạt động tương ứng.

Lưu ý: Thông tư 23/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/6/2023

Trân trọng!

Tài sản cố định
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất về Tài sản cố định
Hỏi đáp Pháp luật
Hồ sơ liên quan đến việc hình thành, biến động tài sản cố định theo Thông tư 72 từ 1/1/2025 gồm những gì?
Hỏi đáp Pháp luật
03 hình thức báo cáo kê khai tài sản cố định trong Bộ Quốc phòng từ 1/1/2025?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu báo cáo kê khai định kỳ tài sản cố định áp dụng từ 01/01/2025 theo Thông tư 72?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu sổ tài sản cố định dùng cho Ủy ban nhân dân xã mới nhất năm 2024?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu Sổ tài sản cố định theo Thông tư 107 của Bộ Tài chính?
Hỏi đáp Pháp luật
Chi phí khấu hao TSCĐ cho thuê được trừ khi tính thuế TNDN phải đáp ứng điều kiện gì?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu biên bản kiểm kê tài sản cố định của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Thông tư 133?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu biên bản đánh giá lại tài sản cố định của doanh nghiệp nhỏ và vừa mới nhất theo Thông tư 133?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu sổ tài sản cố định áp dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ mới nhất 2024?
Hỏi đáp Pháp luật
Thanh lý tài sản cố định hư hỏng đối với doanh nghiệp chế xuất như thế nào?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Tài sản cố định
Chu Tường Vy
9,742 lượt xem
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào