Luật sư có sứ mệnh gì? Khi đang hành nghề luật sư nhưng lại nhận chức vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập có được không?
Luật sư có sứ mệnh gì?
Căn cứ theo Quy tắc 1 Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 quy định như sau:
Sứ mệnh của luật sư
Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, có thể nói luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Luật sư có sự mệnh gì? Khi đang hành nghề luật sư nhưng lại nhận chức vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập có được không? (Hình từ Internet)
Điều kiện hành nghề luật sư quy định như thế nào?
Theo Điều 11 Luật Luật sư 2006 quy định về điều kiện hành nghề luật sư như sau:
Điều kiện hành nghề luật sư
Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.
Như vậy, công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.
Trong đó:
- Đối với cơ sở đào tạo nghề luật sư được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2013/NĐ-CP, cụ thể:
+ Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp (Hiện tại đang có 2 cơ sở nổi bật là Hà Nội và Hồ Chí Minh);
+ Cơ sở đào tạo nghề luật sư thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam.
- Để bắt đầu khóa học đào tạo luật sư được căn cứ theo Điều 12 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 một số điều kiện như:
+ Người có Bằng cử nhân luật học tại các trường đại học chuyên ngành và là công dân Việt Nam được tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư.
+ Thời gian đào tạo nghề luật sư là mười hai tháng và sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư sẽ được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư.
- Đối với người học lớp đào tạo nghề luật sư sẽ được miễn đào tạo nếu chứng minh được là một trong những trường hợp theo quy định tại Điều 13 Luật Luật sư 2006, cụ thể:
+ Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên. (Bản sao Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Biên bản bầu thẩm phán của các chức danh).
+ Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật. (Bản sao Quyết định phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật hoặc bản sao bằng tiến sỹ luật).
+ Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật. (Bản sao Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hoặc Quyết định bổ nhiệm của các chức danh).
+ Đã là thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật. (Bản sao Quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc trong lĩnh vực pháp luật).
Ngoài ra, còn các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư; miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư.
- Đối với thời gian tập sự hành nghề luật sư được quy định tại Điều 14 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định như sau:
+ Người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư và người được miễn đào tạo nghề luật sư được tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư.
+ Thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười hai tháng, trừ trường hợp:
Điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính, kiểm tra viên chính, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.
Người công tác các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên, kiểm tra viên từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư
- Sau khi hoàn thành đủ các điều kiện theo yêu cầu tại các trường thuộc Bộ Tư pháp thì sẽ thực hiện yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo Điều 17 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định, bao gồm:
Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề và được miễn tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Hồ sơ gồm có:
+ Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
+ Phiếu lý lịch tư pháp;
+ Giấy chứng nhận sức khỏe;
+ Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật; (trừ những người là giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật.)
+ Bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
+ Bản sao giấy tờ chứng minh là người được miễn tập sự hành nghề luật sư
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp kèm theo bản xác nhận người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có đủ tiêu chuẩn luật sư cho học viên.
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trong trường hợp cần thiết thì tiến hành xác minh tính hợp pháp của hồ sơ và có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Bộ Tư pháp.
Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và Sở Tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Người bị từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền khiếu nại, khiếu kiện theo quy định của pháp luật.
Khi đang hành nghề luật sư nhưng lại nhận chức vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập có được không?
Theo điểm b khoản 1 Điều 18 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định về thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư như sau:
Thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư như sau:
1. Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư mà thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư:
...
b) Được tuyển dụng, bổ nhiệm làm cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
...
Như vậy, khi đang hành nghề luật nhưng lại nhận chức trong đơn vị sự nghiệp công lập thì sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định vì đơn vị sự nghiệp công lập là một cơ quan Nhà nước.
Xem toàn bộ VBHN các quy định được sửa đổi bổ sung nêu trên tại Văn bản hợp nhất 03/VBHN-VPQH năm 2015 hợp nhất Luật luật sư do Văn phòng Quốc hội ban hành (Lưu ý văn bản hợp nhất không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không được dùng làm căn cứ).
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 02 hình thức công khai mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh dạy thêm ngoài nhà trường từ 14/02/2025?
- Trưởng công an xã được tịch thu xe vi phạm không quá 5 triệu đồng?
- Những lưu ý khi treo cờ ngày Tết Âm lịch 2025 mà người dân cần biết?
- Huân chương Lao động có mấy hạng? Mức tiền thưởng Huân chương Lao động hiện nay là bao nhiêu?
- Hoa Mai vàng có bao nhiêu cánh? Mục tiêu cụ thể của đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam đến năm 2030 là gì?