Có phải trong bất kỳ trường hợp nào tài sản thế chấp đã sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì không được đầu tư làm gia tăng giá trị?
Thế chấp tài sản là gì?
Theo Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thế chấp tài sản. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Có phải trong bất kỳ trường hợp nào tài sản thế chấp đã sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì không được đầu tư làm gia tăng giá trị? (Hình từ Internet).
Tài sản thế chấp bao gồm những gì?
Theo Điều 318 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản thế chấp như sau.
Tài sản thế chấp
1. Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp.
Như vậy, tài sản thế chấp có thể động sản hoặc bất động sản. Trường hợp động sản, bất động sản có vật phụ thì vật phụ của động sản, bất động sản cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ các bên có quy định khác.
Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản thế chấp mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Có phải trong bất kỳ trường hợp nào tài sản đã sử dụng để thế chấp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì không được đầu tư làm gia tăng giá trị?
Căn cứ Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền của bên thế chấp.
Quyền của bên thế chấp
1. Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận.
2. Đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.
....
Căn cứ Điều 20 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định về đầu tư vào tài sản thế chấp.
Đầu tư vào tài sản thế chấp
1. Trường hợp bên thế chấp thực hiện quyền đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp theo quy định tại khoản 2 Điều 321 của Bộ luật Dân sự thì phần giá trị đầu tư tăng thêm thuộc tài sản thế chấp.
2. Việc đầu tư vào tài sản thế chấp phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp trong trường hợp:
a) Bên thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp;
b) Bên thế chấp đầu tư vào tài sản thế chấp làm phát sinh tài sản mới không thuộc tài sản thế chấp theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp.
3. Bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu chấm dứt việc đầu tư nếu việc đầu tư quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này làm giảm giá trị tài sản thế chấp.
4. Trường hợp bên thế chấp, bên thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp không tuân thủ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên nhận thế chấp.
5. Trường hợp bên bảo đảm hoặc bên thứ ba đầu tư vào tài sản bảo đảm thuộc biện pháp bảo đảm khác mà các bên không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan không quy định khác thì áp dụng các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
Căn cứ theo các quy định trên, trong một số trường hợp, tài sản đã sử dụng để thế chấp nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vẫn được đầu tư làm tăng giá trị nếu đáp ứng đủ các điều kiện. Các điều kiện để được sử dụng tài sản thế chấp nhằm đầu tư làm tăng giá trị bao gồm:
- Chủ thể thực hiện: Bên thế chấp.
- Việc đầu tư tài sản thế chấp phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp khi thuộc các trường hợp sau:
+ Bên thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp.
+ Bên thế chấp đầu tư vào tài sản thế chấp làm phát sinh tài sản mới không thuộc tài sản thế chấp theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trưởng công an xã được tịch thu xe vi phạm không quá 5 triệu đồng?
- Năm 2025 lái xe ô tô chạy quá tốc độ bao nhiêu km/h thì bị trừ điểm bằng lái xe?
- Mẫu phiếu hẹn khám lại trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế?
- Có được phép đeo tai nghe khi đang điều khiển xe máy hay không? Phạt nặng nhất là bao nhiêu?
- Lỗi lùi xe ô tô trên đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền từ 1/1/2025?