Phát hiện sản phẩm gia cầm nhập khẩu bất hợp pháp cần tái xuất hoặc tiêu hủy ngay?
Phát hiện sản phẩm gia cầm nhập khẩu bất hợp pháp cần tái xuất hoặc tiêu hủy ngay?
Ngày 18/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 426/CĐ-TTg năm 2023 về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nhất là các tỉnh, thành phố biên giới thực hiện các công việc sau:
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,... để ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam.
- Trường hợp phát hiện các lô hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu bất hợp pháp phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
- Chỉ đạo lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Ban chỉ đạo 389 của địa phương tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hành vi vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới;
- Phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh Cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
- Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam.
- Tập trung xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật theo quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới để thúc đẩy xuất khẩu.
- Kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về duy trì, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định tại Điều 6 Luật Thú y 2015 để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật.
Sản phẩm gia cầm là gì?
Tại Điều 3 Luật Thú y 2015 có quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Động vật bao gồm:
a) Động vật trên cạn là các loài gia súc, gia cầm, động vật hoang dã, bò sát, ong, tằm và một số loài động vật khác sống trên cạn;
b) Động vật thủy sản là các loài cá, giáp xác, động vật thân mềm, lưỡng cư, động vật có vú và một số loài động vật khác sống dưới nước.
2. Sản phẩm động vật là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, bao gồm:
a) Sản phẩm động vật trên cạn là thịt, trứng, sữa, mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, móng và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật trên cạn;
b) Sản phẩm động vật thủy sản là động vật thủy sản đã qua sơ chế hoặc chế biến ở dạng nguyên con; phôi, trứng, tinh dịch và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật thủy sản.
Theo đó, sản phẩm gia cầm có thể hiểu là thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, móng và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ gia cầm.
Tái xuất hoặc tiêu hủy ngay khi phát hiện các sản phẩm gia cầm nhập khẩu bất hợp pháp? (Hình từ Internet)
Vận chuyển các sản phẩm gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại khoản 6, điểm a khoản 13 Điều 20 Nghị định 90/2017/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính về vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh như sau:
Vi phạm về vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không lập sổ sách, ghi chép, lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi giết mổ động vật trên cạn trong Danh mục động vật thuộc diện phải kiểm soát giết mổ nhưng không được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện kiểm soát giết mổ trừ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ở khu vực hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành yêu cầu của nhân viên thú y về xử lý động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ.
4. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
5. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển động vật chết, sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh.
6. Phạt tiền từ 60% đến 70% giá trị sản phẩm động vật nhưng không vượt quá 50.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y.
...
13. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc phải kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này. Trong trường hợp kiểm tra vệ sinh thú y không đạt yêu cầu buộc phải tiêu hủy hoặc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này;
...
Tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 90/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP có quy định:
Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ trường hợp quy định tại các Điều 22, khoản 3 Điều 24, khoản 5 Điều 27, khoản 1 Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32 và Điều 33 của Nghị định này. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân
...
Theo đó, trường hợp vận chuyển các sản phẩm gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y sẽ bị phạt từ 60% đến 70% giá trị sản phẩm động vật nhưng không vượt quá 50.000.000 đồng.
Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Đồng thời, buộc phải kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật. Trong trường hợp kiểm tra vệ sinh thú y không đạt yêu cầu buộc phải tiêu hủy hoặc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Nhập khẩu hàng hóa có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Đại hội nào của Đảng ta quyết định chọn ngày 3 2 hàng năm là ngày kỉ niệm thành lập Đảng?