Được trả lương như thế nào khi người lao động được chuyển từ hợp đồng 68 sang hợp đồng lao động?
- Người lao động được chuyển từ hợp đồng 68 sang hợp đồng lao động được trả lương như thế nào?
- Tiền lương công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương công việc cũ trong thời hạn bao nhiêu ngày làm việc?
- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được quy định như nào?
Người lao động được chuyển từ hợp đồng 68 sang hợp đồng lao động được trả lương như thế nào?
Theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 03/2019/TT-BNV có quy định:
2. Mục II được sửa đổi, bổ sung như sau:
II - KÝ KẾT, THỰC HIỆN, THAY ĐỔI, CHẤM DỨT, THANH LÝ HỢP ĐỒNG VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KHI HỢP ĐỒNG CÁC CÔNG VIỆC NÓI TẠI ĐIỀU 1 CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 68/2000/NĐ-CP
1. Cá nhân, tổ chức ký hợp đồng để làm những công việc quy định tại Điều 1 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về dân sự, pháp luật về thương mại và không thuộc chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc và quỹ tiền lương của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Một số loại công việc theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP được thực hiện thông qua ký kết một trong các hình thức hợp đồng sau đây:
a) Hợp đồng kinh tế được ký kết giữa pháp nhân với pháp nhân và giữa pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật dân sự, pháp luật thương mại;
b) Hợp đồng lao động được giao kết giữa người lao động hoặc đại diện hợp pháp của người lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động;
c) Hợp đồng thuê khoán tài sản được ký kết giữa bên cho thuê tài sản và bên thuê tài sản theo quy định của pháp luật dân sự;
d) Hợp đồng mượn tài sản được ký kết giữa bên cho mượn tài sản và bên mượn tài sản theo quy định của pháp luật dân sự;
đ) Hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa bên làm dịch vụ và bên thuê dịch vụ theo quy định của pháp luật dân sự.
3. Việc ký kết, thực hiện, thay đổi, chấm dứt, thanh lý và giải quyết tranh chấp giữa các bên thực hiện theo các quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động, hợp đồng thuê khoán tài sản, hợp đồng mượn tài sản, hợp đồng dịch vụ.
4. Mẫu hợp đồng được thực hiện theo các quy định của pháp luật tương ứng với hình thức hợp đồng được ký kết.
5. Các cá nhân đang ký hợp đồng lao động để làm những công việc nêu tại Điều 1 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và áp dụng bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì chuyển sang thực hiện ký hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP; mức lương trong hợp đồng lao động mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định tiền lương như sau:
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Theo quy định trên thì khi người lao động chuyển từ hợp đồng 68 sang làm việc theo hợp đồng lao động thì mức lương sẽ do hai bên thỏa thuận, phải đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Người lao động được chuyển từ hợp đồng 68 sang hợp đồng lao động được trả lương như thế nào? (Hình từ Internet)
Tiền lương công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương công việc cũ trong thời hạn bao nhiêu ngày làm việc?
Theo Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 quy định chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động:
1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật này.
Khi người lao động được trả tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc và mức tiền lương của công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được quy định như nào?
Căn cứ khoản 5 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:
5. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được quy định như sau:
a) Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc, mất việc làm.
b) Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 20 của Bộ luật Lao động thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng. Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên bố vô hiệu vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể.
Theo đó, tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được quy định như trên.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hợp đồng lao động có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Được miễn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 trong trường hợp nào?
- Điện năng lượng tái tạo là gì? Nguyên tắc phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới từ 01/02/2025?
- Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý của Quỹ Hỗ trợ nông dân?
- Công văn 7585/BNV-TL 2024 thực hiện chế độ tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP như thế nào?
- Quy định miễn thi môn Ngữ văn khi xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025?