Người yêu cầu công chứng có thể xác nhận văn bản công chứng bằng cách nào khi không biết chữ?
Người yêu cầu công chứng không biết chữ thì có thể xác nhận văn bản công chứng bằng cách nào?
Tại Điều 48 Luật Công chứng 2014 quy định ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng như sau:
1. Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.
Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.
2. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
3. Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây:
a) Công chứng di chúc;
b) Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;
c) Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.
Như vậy, theo quy định trên người yêu cầu công chứng không ký được do không biết chữ để ký thì có thể điểm chỉ để xác nhận văn bản công chứng.
Bà nội của bạn không biết chữ thì vẫn có thể được công chứng viên đọc lại toàn bộ nội dung có trong hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Nếu bà nội của bạn đồng ý thì bà có thể điểm chỉ bằng ngón trỏ phải vào hợp đồng đấy.
Người yêu cầu công chứng có thể xác nhận văn bản công chứng bằng cách nào khi không biết chữ? (Hình từ Internet)
Công chứng viên ký tên thay người yêu cầu công chứng bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Khoản 3 và 5 Điều 12 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch như sau:
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng;
b) Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo;
c) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch;
d) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng bản dịch;
đ) Cản trở hoạt động công chứng.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, các điểm a, b và c khoản 3 Điều này;
b) Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về bản dịch đã được công chứng quy định tại khoản 1 và điểm d khoản 3 Điều này;
c) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
Do đó, theo quy định trên công chứng viên ký tên thay cho người yêu cầu công chứng sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng phải báo cho người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng được quy định như thế nào?
Tại Điều 50 Luật Công chứng 2014 quy định sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng như sau:
1. Lỗi kỹ thuật là lỗi do sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn trong văn bản công chứng mà việc sửa lỗi đó không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia hợp đồng, giao dịch.
2. Việc sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật.
3. Công chứng viên thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật có trách nhiệm đối chiếu từng lỗi cần sửa với các giấy tờ trong hồ sơ công chứng, gạch chân chỗ cần sửa, sau đó ghi chữ, dấu hoặc con số đã được sửa vào bên lề kèm theo chữ ký của mình và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Công chứng viên có trách nhiệm thông báo việc sửa lỗi kỹ thuật đó cho người tham gia hợp đồng, giao dịch.
Trên đây là những quy định về sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?