Có được phép ủy quyền lại cho người khác khi người ủy quyền không thực hiện được hợp đồng ủy quyền?
1. Người được ủy quyền có được phép ủy quyền lại cho người khác không??
Tại Điều 564 Bộ luật dân sự 2015 quy định về ủy quyền lại như sau:
1. Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:
a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;
b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.
2. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
3. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.
Như vậy, theo quy định nêu trên nếu bạn không thực hiện được sự ủy quyền của mẹ bạn thì bạn được phép ủy quyền cho chồng của bạn khi mẹ bạn đồng ý. Bên cạnh đó, khi thực hiện ủy quyền lại, bạn không được phép ủy quyền vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu và hình thực hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.
2. Hợp đồng ủy quyền có bắt buộc phải công chứng không?
Tại Điều 55 Luật Công chứng 2014 quy định về công chứng hợp đồng ủy quyền như sau:
1. Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.
2. Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì chỉ quy định về thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền nhưng không có quy định về việc bắt buộc phải công chứng hợp đồng này. Việc công chứng hợp đồng ủy quyền mới chỉ được quy định ở các văn bản pháp luật khác nhau. Bởi vậy, bạn có thể lựa chọn công chứng hoặc không công chứng hợp đồng ủy quyền.
3. Việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền được quy định như thế nào?
Tại Điều 569 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền như sau:
1. Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.
Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.
2. Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.
Trên đây là quy định của pháp luật về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Năm 2025: Bộ Y tế thanh tra việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức?
- Dụ dỗ người khác gian lận trong hoạt động thể thao bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Truyền thống Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam được khái quát như thế nào?
- Biển báo hiệu hình tròn có nền xanh lam có hình vẽ màu trắng là loại biển gì?