Khi người đã mất muốn nhận tiền trong tài khoản ngân hàng thì phải làm sao?
Nhận tiền trong tài khoản ngân hàng của người đã mất có thủ tục như nào?
Mẹ em mất đột ngột do tai nạn. Mẹ có gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng. Giờ em muốn rút tiền phải làm thế nào ạ? Trước khi mất mẹ không để lại di chúc.
Trả lời:
Theo Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định hành thừa kế theo pháp luât như sau:
- Hàng thứ nhất: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con để, con nuôi của người chết;
- Hàng 2: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng 3: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy, trong trường hợp này bạn là người thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng thừa kế hơp pháp. Để rút tiền trong tài khoản ngân hàng thì bạn cần làm thủ tục kê khai và mở di sản thừa kế của mẹ bạn.
Thủ tục kê khai di sản thừa kế được thực hiện phòng công chứng địa phương, các giấy tờ cần xuất trình:
- Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu, Giấy khai sinh của những người khai nhận di sản thừa kế.
- Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế.
- Một bản Sơ yếu lý lịch của một trong những người khai nhận di sản thừa kế (đã có xác nhận của UBND phường, xã hoặc cơ quan có thẩm quyền).
- Giấy tờ về di sản thừa kế như: sổ tiết kiệm.
- Giấy uỷ quyền, giấy nhường di sản thừa kế, giấy từ chối di sản thừa kế (nếu có).
Trình tự công chứng:
- Người yêu cầu công chứng nộp đủ các giấy tờ nêu trên cho Công chứng viên. Công chứng viên thực hiện việc niêm yết thông báo thừa kế tại UBND phường (xã) trong thời hạn 15 ngày;
- Sau thời gian niêm yết, nếu không có khiếu nại, khiếu kiện nào (đã có xác nhận của UBND phường, xã) thì Công chứng viên lập Văn bản Khai nhận di sản thừa kế hoặc Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế;
- Những người khai nhận di sản thừa kế đọc Văn bản, khi đồng ý với nội dung thì ký vào văn bản trước mặt Công chứng viên;
- Công chứng viên ký công chứng Văn bản;
- Người yêu cầu công chứng nộp lệ phí và đóng dấu của Phòng Công chứng.
Sau khi bạn hoàn thành thủ tục kê khai và mở di sản thừa kế của mẹ thì bạn mang các giấy tờ cần thiết đến ngân hàng để yêu cầu họ làm thủ tục rút tiền trong tài khoản của mẹ.
Khi người đã mất muốn nhận tiền trong tài khoản ngân hàng thì phải làm sao? (Hình từ Internet)
Vay tiền ngân hàng nhưng nay bên vay đã bỏ nhà đi?
Tôi có người em vay tiền của ngân hàng dưới dạng tín chấp với số tiền 50.000.000 đồng nhưng đã trả được 10.000.000 đồng. Bây giờ gia đình không biết vì lí do gì mà em tôi bỏ nhà ra đi đến nay được 4 tháng. Vậy em tôi sẽ bị xử lý như thế nào? Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Trước hết, em bạn có nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng theo hợp đồng vay tiền đã ký kết theo quy định tại Ðiều 466 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp em bạn vay tiền mà không trả, nay lại bỏ trốn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, cụ thể:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đất đang thế chấp tại ngân hàng có được tách thửa không?
Cho hỏi: Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp ngân hàng có thực hiện thủ tục tách thửa được không? Mong nhận được giải đáp của anh chị. Xin cảm ơn!
Trả lời:
Theo khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT quy định hồ sơ tách thửa đất như sau:
- Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu số 11/ĐK;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
Mặt khác, tại Điều 323 Bộ luật dân sự 2015 quy định các quyền của bên nhận thế chấp, cụ thể như sau:
...
5. Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
6. Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
7. Xử lý tài sản thế chấp khi thuộc trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.
Như vậy, khi bạn thế chấp quyền sử dụng đất cho bên ngân hàng thì ngân hàng sẽ giữ bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cho nên, bạn không được làm thủ tục tách thửa trong trường hợp này.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tài khoản ngân hàng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- 7 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm? Tháng 2 2025 có ngày lễ nào ở Việt Nam NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương không?
- Lương của người lao động tăng bao nhiêu khi hết thời gian thử việc?
- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là gì? Báo cáo thuyết minh bản đồ hiện trạng sử dụng đất gồm những nội dung gì?