Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Giao thông vận tải có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào?
Nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Giao thông vận tải?
Tại Điều 17 Quyết định 1292/QĐ-BGTVT năm 2022 có quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Giao thông vận tải như sau:
Điều 17. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng phương hướng, chiến lược, kế hoạch 5 năm và hằng năm, các chương trình, đề án, dự án nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ và môi trường của Bộ; tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ khoa học, công nghệ và môi trường sau khi đã được Bộ phê duyệt; tổ chức thẩm định nội dung khoa học, công nghệ, môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, đề án, dự án ngành Giao thông vận tải.
2. Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng quy định về việc xây dựng, thẩm định, ban hành, định mức kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ công do Bộ Giao thông vận tải quản lý (trừ các định mức liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình giao thông, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải).
3. Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng:
a) Phê duyệt kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ của Bộ.
b) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ (trừ tiêu chuẩn về vận tải);
c) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ (trừ quy chuẩn kỹ thuật về vận tải).
d) Ban hành, công bố định mức kinh tế - kỹ thuật (trừ định mức liên quan đến đầu tư xây dựng công trình giao thông, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải).
4. Chủ trì xây dựng trình Bộ trưởng cơ chế, chính sách về đầu tư phát triển khoa học, công nghệ; phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ, xây dựng chiến lược và hướng phát triển, công nghệ cao trong ngành Giao thông vận tải.
5. Chủ trì tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp một số dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
6. Tổ chức quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, môi trường dưới các hình thức chương trình, đề tài, đề án, dự án, nhiệm vụ do Bộ quản lý, chủ trì thực hiện; tổ chức quản lý nhiệm vụ được Bộ giao cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ; tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu và ứng dụng đối với sản phẩm của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, môi trường cấp Bộ; hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong việc triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ, môi trường phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị; làm thường trực Hội đồng Khoa học và Công nghệ của Bộ.
7. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác dự báo, thống kê, thông tin khoa học, công nghệ, các dịch vụ khoa học, công nghệ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của Bộ.
8. Chủ trì phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, trong lĩnh vực giao thông vận tải; tham mưu trình Bộ trưởng ban hành và tổ chức thực hiện chính sách nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá thuộc danh mục quản lý của Bộ.
9. Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng:
a) Quy định, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực giao thông vận tải; quy định chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động đối với phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển; máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trong giao thông vận tải.
b) Quy định việc kiểm định, kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, các tổng thành, hệ thống, linh kiện phụ tùng của phương tiện; phương tiện giao thông đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải; phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển; các phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, các công trình, phương tiện, thiết bị chuyên dùng sử dụng trong giao thông vận tải và các mục đích khác theo quy định của pháp luật.
c) Quy định việc thẩm định thiết kế kỹ thuật trong sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải, nhập khẩu phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng; phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển và trang bị, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải theo quy định của pháp luật.
d) Phê duyệt đề án, dự án sản xuất thử nghiệm, triển khai thực nghiệm, ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ; dự án tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học theo phân công của Bộ trưởng;
đ) Quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển, phương tiện thủy nội địa; quy định điều kiện, tiêu chuẩn của cơ sở kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển và các phương tiện, thiết bị khác theo quy định của pháp luật;
e) Quy định việc đăng ký, cấp biển số đối với xe máy chuyên dùng tham gia giao thông theo quy định của pháp luật;
g) Xây dựng danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn theo quy định; ban hành quy trình kiểm định, quản lý các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền quản lý;
h) Quy định và hướng dẫn thực hiện hoạt động công bố, chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc ngành Giao thông vận tải theo quy định của pháp luật. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải; chỉ định các tổ chức đủ năng lực theo quy định của pháp luật tham gia hoạt động đánh giá sự phù hợp phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy chuẩn kỹ thuật;
i) Phê duyệt hoặc chấp thuận danh mục tiêu chuẩn áp dụng cho dự án xây dựng công trình giao thông.
k) Quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động; quyết định lại đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động; quyết định dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển; cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.
10. Tham mưu thẩm định nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường trong bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đối với các dự án do Bộ quản lý.
11. Hướng dẫn thực hiện hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí trong hoạt động giao thông vận tải.
12. Tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu; đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; xây dựng, tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong phạm vi quản lý của Bộ.
13. Thực hiện kiểm kê khí nhà kính; xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; hướng dẫn việc lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ và quản lý để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải.
14. Tổ chức thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế của Tổ chức Hàng hải quốc tế và Tổ chức Hàng không quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
15. Tổ chức công tác thống kê chỉ tiêu môi trường; thu nhận, lưu trữ thông tin về chất lượng môi trường, ô nhiễm môi trường; xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin môi trường trong phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.
16. Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
17. Phát triển, quản lý mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng giao thông vận tải.
18. Chủ trì xây dựng trình Bộ trưởng báo cáo công tác môi trường trong giao thông vận tải theo quy định.
19. Tham gia quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và môi trường theo phân cấp quản lý của Bộ; là đầu mối hướng dẫn, tổng hợp hoạt động thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
20. Rà soát, kiểm tra và trình Bộ trưởng quyết định danh mục trang thiết bị cần thiết để bổ sung, thay thế phục vụ công tác bảo trì, sửa chữa, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của Bộ do Trung tâm Công nghệ thông tin quản lý.
21. Phổ biến, tập huấn việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng môi trường; tổng kết đánh giá các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành giao thông vận tải; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các điều ước quốc tế liên quan đến khoa học công nghệ, môi trường trong ngành giao thông vận tải.
22. Ứng dụng khoa học công nghệ trong hệ thống giao thông thông minh trong ngành Giao thông vận tải; chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thu phí các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông do Bộ GTVT quản lý.
23. Phối hợp với Vụ Tài chính tham mưu cho Bộ trưởng phân bổ kinh phí khoa học, công nghệ và môi trường, xử lý tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và môi trường sử dụng vốn nhà nước.
24. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Theo đó, nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Giao thông vận tải được quy định theo pháp luật nêu trên.
Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Giao thông vận tải có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào? (Hình từ Internet)
Vị trí và chức năng của Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Giao thông vận tải?
Tại Điều 18 Quyết định 1292/QĐ-BGTVT năm 2022 có quy định về vị trí và chức năng của Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Giao thông vận tải như sau:
Vụ Hợp tác quốc tế là tổ chức tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý về công tác hợp tác và hội nhập quốc tế trong ngành Giao thông vận tải.
Như vậy, vụ Hợp tác quốc tế là tổ chức tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý về công tác hợp tác và hội nhập quốc tế trong ngành Giao thông vận tải.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Giao thông vận tải?
Tại Điều 19 Quyết định 1292/QĐ-BGTVT năm 2022 có quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Giao thông vận tải như sau:
1. Xây dựng trình Bộ trưởng chương trình, kế hoạch 5 năm và hằng năm, đề án, dự án hợp tác quốc tế của Bộ theo phân công của Bộ trưởng; tổ chức triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Về việc ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế:
a) Chủ trì hoặc phối hợp với tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trình Bộ trưởng đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực giao thông vận tải;
b) Chủ trì tổ chức hoặc tham gia đoàn đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về giao thông vận tải theo phân công của Bộ trưởng;
c) Là đầu mối thẩm định và thực hiện các thủ tục cần thiết để chuẩn bị cho công tác đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế;
d) Hướng dẫn, kiểm tra và phối hợp thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và chương trình, kế hoạch, đề án, dự án hợp tác quốc tế của Bộ;
đ) Chủ trì hoặc tham gia tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; thực hiện công tác thông tin đối ngoại, cung ứng nhân lực ra nước ngoài về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Bộ.
3. Chủ trì hoặc phối hợp xây dựng chương trình, nội dung về hội nhập kinh tế quốc tế, đề án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông vận tải; hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các chương trình và đề án theo phân công của Bộ trưởng.
4. Chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan trình Bộ trưởng việc tham gia các tổ chức quốc tế về giao thông vận tải và các tổ chức quốc tế khác; chủ trì theo dõi và tham mưu giúp Bộ trưởng xử lý các vấn đề liên quan đến công tác đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế của Bộ.
5. Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ trình Bộ trưởng quyết định việc cử cán bộ của tổ chức, cơ quan, đơn vị tham gia các tổ chức quốc tế, chương trình hợp tác quốc tế, các đoàn đi công tác nước ngoài (đoàn ra) đối với cán bộ, công chức thuộc diện Ban Cán sự Đảng và Bộ trưởng quản lý; chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị tổ chức mời, tiếp đón và làm việc với các đoàn khách quốc tế (đoàn vào) đến làm việc với Bộ theo phân công của Bộ trưởng; là đầu mối trong giao dịch chính thức giữa Bộ, lãnh đạo Bộ với đại sứ quán, cơ quan đại diện, tổ chức quốc tế và người nước ngoài.
6. Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng quyết định việc tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế; chủ trì hoặc phối hợp các tổ chức, cơ quan, đơn vị để tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo phân công của Bộ trưởng.
7. Theo dõi tổng hợp trình Bộ trưởng về nội dung, chương trình và kết quả làm việc của đoàn ra, đoàn vào và các hội thảo, hội nghị quốc tế; giúp Bộ trưởng chuẩn bị báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ hợp tác quốc tế của Bộ.
8. Chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Đầu tư trình Bộ trưởng việc tổ chức thực hiện xúc tiến đầu tư, gọi vốn đầu tư nước ngoài theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển ngành Giao thông vận tải.
9. Tham gia đàm phán các hiệp định tín dụng đầu tư dự án, hợp đồng thỏa thuận đầu tư với các đối tác nước ngoài.
10. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại trong khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương và khu vực để thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật độc lập, phi dự án; thẩm định để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật độc lập (không phải dự án hỗ trợ kỹ thuật để chuẩn bị đầu tư), phi dự án sử dụng vốn không hoàn lại và theo dõi việc triển khai thực hiện theo phân công của Bộ trưởng.
11. Chủ trì, phối hợp với tổ chức, cơ quan, đơn vị tham gia ý kiến các dự án đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài trong lĩnh vực giao thông vận tải (trừ các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải).
12. Là đầu mối giúp Bộ trưởng theo dõi việc triển khai các dự án thực hiện bằng nguồn vốn viện trợ hoặc nguồn vốn cho vay của Chính phủ Việt Nam liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải ở nước ngoài và các dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ.
13. Phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp tham mưu giúp Bộ trưởng theo dõi, quản lý việc góp vốn, chuyển nhượng vốn của các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
14. Thu thập và cung cấp thông tin về tình hình hợp tác khu vực và quốc tế, kinh nghiệm và chính sách trong phát triển giao thông vận tải của các nước.
15. Là đầu mối giúp Bộ trưởng theo dõi hợp tác kết nối giao thông vận tải song phương và đa phương.
16. Hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo phân cấp quản lý của Bộ.
17. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- 7 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm? Tháng 2 2025 có ngày lễ nào ở Việt Nam NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương không?
- Lương của người lao động tăng bao nhiêu khi hết thời gian thử việc?
- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là gì? Báo cáo thuyết minh bản đồ hiện trạng sử dụng đất gồm những nội dung gì?