Có phải kê khai với Ủy ban nhân dân xã khi nấu rượu để tự sử dụng hay không?

Nấu rượu thủ công để sử dụng trong gia đình có cần phải kê khai với Ủy ban nhân dân xã? Điều kiện để cấp phép sản xuất rượu thủ công để kinh doanh là gì? Địa điểm nào không được uống rượu, bia? Chào anh/chị gia đình tôi nấu rượu thủ công để uống, hôm nay có người từ trên Ủy ban xã tới yêu cầu tôi phải kê khai về số lượng rượu nấu. Như vậy có đúng không ạ? Có bắt buộc phải kê khai hay không?

1. Nấu rượu để sử dụng trong gia đình có cần phải kê khai với Ủy ban nhân dân xã?

Căn cứ Điều 17 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có quy định về biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh như sau:

1. Hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải có bản kê khai gửi Ủy ban nhân dân cấp xã về lượng rượu được sản xuất, phạm vi sử dụng, cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và không bán rượu ra thị trường theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định. Việc kê khai không phải nộp phí, lệ phí.

2. Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; báo cáo sản lượng và tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh trên địa bàn.

Như vậy, theo quy định như trên, trường hợp bạn nấu rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh thì phải kê khai gửi Ủy ban nhân dân cấp xã về lượng rượu được sản xuất, phạm vi sử dụng, cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và không bán rượu ra thị trường. Cho nên việc cán bộ xã yêu cầu bạn kê khai là đúng quy định.

2. Điều kiện để cấp phép sản xuất rượu thủ công để kinh doanh là gì?

Tại Điều 15 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có quy định về quản lý kinh doanh rượu như sau:

1. Điều kiện cấp phép sản xuất rượu công nghiệp có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có dây chuyền máy móc, thiết bị công nghiệp, quy trình công nghệ sản xuất rượu đáp ứng quy mô dự kiến sản xuất;

c) Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

d) Có nhân viên kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu.

2. Điều kiện cấp phép sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên nhằm mục đích kinh doanh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, bao gồm:

a) Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy ánh của pháp luật.

3. Điều kiện đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại bao gồm:

a) Có hợp đồng mua bán với cơ sở có giấy phép sản xuất rượu và có đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở sản xuất;

b) Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

4. Điều kiện cấp phép mua bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bao gồm:

a) Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Đáp ứng điều kiện theo từng loại hình mua bán rượu.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và quy định việc quản lý kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ.

Theo đó, để được cấp phép sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên nhằm mục đích kinh doanh, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện theo quy định kể trên.

3. Địa điểm nào không được uống rượu, bia?

Tại Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có quy định địa điểm không uống rượu, bia như sau:

1. Cơ sở y tế.

2. Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc.

3. Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác.

5. Cơ sở bảo trợ xã hội.

6. Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.

7. Các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra tại Điều 3 Nghị định 24/2020/NĐ-CP còn có quy định ngoài các địa điểm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và khoản 6 Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia bao gồm:

1. Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

2. Nhà chờ xe buýt.

3. Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.

Như vậy, các địa điểm theo quy định như trên là các địa điểm không được uống rượu, bia.

Trân trọng!

Nấu rượu
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất về Nấu rượu
Hỏi đáp pháp luật
Có phải kê khai với Ủy ban nhân dân xã khi nấu rượu để tự sử dụng hay không?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Nấu rượu
838 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Nấu rượu
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào