Quy định mới về trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Y tế?
Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Y tế?
Căn cứ Điều 5 Quy chế làm việc của Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 1828/QĐ-BYT năm 2022 quy định về nội dung như sau:
Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ
1. Trách nhiệm giải quyết công việc
a) Chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện toàn diện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị và các công việc do Lãnh đạo Bộ giao; chịu trách nhiệm trước Thứ trưởng phụ trách, Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của đơn vị; thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về kết quả công tác của đơn vị theo quy định của pháp luật và yêu cầu của Lãnh đạo Bộ.
Đối với đơn vị Bộ trưởng đã phân công Thứ trưởng phụ trách, khi Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo một số nội dung công việc cụ thể thì Thủ trưởng đơn vị tổ chức triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng và có trách nhiệm báo cáo Thứ trưởng phụ trách đơn vị biết.
b) Tiếp nhận ý kiến, văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ hoặc từ các đơn vị khác chuyển đến, trực tiếp giải quyết hoặc phân công cho cấp phó hoặc công chức, viên chức giải quyết. Hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra tình hình thực hiện công việc đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
Khi được giao những công việc không thuộc thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị phải báo cáo với Lãnh đạo Bộ phân công để điều chuyển công việc cho đơn vị khác hoặc xem xét, quyết định; thời hạn từ 01 đến 02 ngày làm việc (tùy theo mức độ khẩn của nhiệm vụ) kể từ khi nhận được công việc trên Hệ thống quản lý và điều hành văn bản điện tử hoặc văn bản giấy.
Trong quá trình giải quyết công việc nếu phát sinh những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết phải kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng phụ trách giải quyết.
c) Chủ động phối hợp với Thủ trưởng đơn vị khác đề thực hiện nhiệm vụ chung của Bộ và xử lý những vấn đề liên quan đến công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
d) Chủ động nắm bắt tình hình thực thi chính sách, pháp luật đối với lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ được giao; kịp thời tham mưu trình Lãnh đạo Bộ giải quyết đối với các vấn đề có liên quan đến chức năng, ngành, lĩnh vực đơn vị quản lý mà thuộc thẩm quyền của các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chủ động hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân giải quyết đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền được phân cấp và quy định của pháp luật.
đ) Xây dựng chương trình công tác tháng, quý, năm của đơn vị, trình báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách, gửi Văn phòng Bộ để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng; chủ động đề xuất với Thứ trưởng phụ trách và Bộ trưởng các chủ trương, cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật cần thiết ban hành, sửa đổi, bổ sung thuộc lĩnh vực được phân công. Xây dựng, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Quy chế làm việc của đơn vị; phân công nhiệm vụ cụ thể cho cấp phó và công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.
e) Tham dự đầy đủ các cuộc họp do Lãnh đạo Bộ triệu tập (nếu vắng mặt phải báo cáo người chủ trì và ủy nhiệm cấp phó dự thay); tổ chức thực hiện các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Lãnh đạo Bộ giao cho đơn vị hoặc có liên quan đến đơn vị.
g) Khi được Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng ủy quyền, phân công đại diện Bộ tham dự các cuộc họp, hội nghị của Bộ, ngành, địa phương hoặc trả lời phỏng vấn trên phương tiện thông tin đại chúng thì chỉ được phát biểu những nội dung đã được Bộ trưởng, Thứ trưởng thông qua. Trường hợp nội dung trả lời chưa được thông qua thì chỉ được phát biểu với tư cách cá nhân và chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ và các quy định của pháp luật về các nội dung đã phát ngôn.
h) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi lĩnh vực được giao phụ trách.
i) Trường hợp nghỉ phép từ 02 ngày làm việc trở lên phải báo cáo bằng văn bản và phải được sự đồng ý của Bộ trưởng trước 03 ngày (trừ trường hợp đột xuất hoặc đi tháp tùng Bộ trưởng). Sau khi được Bộ trưởng đồng ý, phải báo cáo Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực để biết và ủy quyền cho một cấp phó thay mặt giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền trong thời gian đi vắng; trường hợp Bộ trưởng đi công tác vắng, phải báo cáo Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy quyền.
k) Khi Bộ trưởng, Thứ trưởng có chương trình làm việc với đơn vị, phải chuẩn bị nội dung cho buổi làm việc và mời đại diện các đơn vị liên quan cùng dự.
l) Phân công công việc cho Phó Thủ trưởng đơn vị và chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công việc của Phó Thủ trưởng đơn vị; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Phòng hoặc tương đương thuộc đơn vị (nếu có), phân công nhiệm vụ cho các Phòng và Trưởng phòng trực tiếp phụ trách.
2. Phạm vi giải quyết công việc của Thủ trưởng đơn vị được thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Bộ trưởng phân công cho đơn vị.
Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Phó Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Y tế?
Căn cứ Điều 6 Quy chế làm việc của Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 1828/QĐ-BYT năm 2022 quy định về nội dung như sau:
Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Phó Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ
1. Phó Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ (sau đây gọi tắt là Phó Thủ trưởng đơn vị) được Thủ trưởng đơn vị phân công chỉ đạo, điều hành một số lĩnh vực công tác; được sử dụng quyền hạn của Thủ trưởng đơn vị trong chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị, trước Lãnh đạo Bộ và trước pháp luật về việc thực hiện công việc được phân công, ủy quyền.
2. Trách nhiệm giải quyết công việc
a) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và giải quyết việc thực hiện các nhiệm vụ trong các lĩnh vực được Thủ trưởng đơn vị phân công phụ trách.
b) Phân công công tác và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đối với các Phòng và Trưởng phòng hoặc tương đương thuộc đơn vị được phân công phụ trách; trong trường hợp cần thiết có thể phân công công việc trực tiếp cho Phó Trưởng phòng hoặc tương đương hoặc công chức, viên chức được phân công phụ trách.
c) Phối hợp với Phó Thủ trưởng khác của đơn vị giải quyết công việc có liên quan; báo cáo Thủ trưởng đơn vị những vấn đề vượt quá thẩm quyền hoặc những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các Phó Thủ trưởng.
d) Thay mặt Thủ trưởng đơn vị trong quan hệ và phối hợp công tác với các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong lĩnh vực được phân công phụ trách hoặc theo phân công của Thủ trưởng đơn vị; Phó Thủ trưởng đơn vị đi công tác phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị.
đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng đơn vị giao.
3. Trường hợp Bộ trưởng, Thứ trưởng làm việc và phân công công việc trực tiếp cho Phó Thủ trưởng đơn vị thì phải thực hiện và báo cáo với Thủ trưởng đơn vị, đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả công việc được giao với Lãnh đạo Bộ và trước pháp luật.
4. Trường hợp nghỉ phép từ 02 ngày làm việc trở lên phải báo cáo bằng văn bản và phải được sự đồng ý của Thủ trưởng Đơn vị và báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?