Bố mẹ có được đuổi con ra khỏi nhà hay không? Con hư hỏng có bị truất quyền thừa kế được hay không?
Bố mẹ có được đuổi con ra khỏi nhà không?
Ba em đánh đập và đuổi em ra khỏi nhà, còn nói là sẽ vứt đồ đạc của em ra đường. Em không hỗn láo gì với ba, không ăn chơi lêu lỏng, không gây sự ồn ào gì cả, em đi làm tự nuôi bản thân. Chỉ vì ba em có vợ mới nên mới kiếm cớ gây sự và đánh đuổi em ra khỏi nhà để ba em ở cùng vợ mới cho thoải mái. Ba mẹ em ly hôn khi em còn 2 tuổi, em theo mẹ sống. Ba em không 1 đồng chu cấp, không 1 lần hỏi han bọn em sống chết như thế nào. Vậy mà tới khi em vô ở thì gây khó dễ và đánh, đuổi em ra khỏi nhà. Vậy ba em có quyền làm điều đó không? Xin Ban biên tập tư vấn giúp em. Em cảm ơn ạ!
Trả lời:
Điều 69 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ:
1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Như vậy, cha mẹ có trách nhiệm thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con... Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ. Cha mẹ không được đuổi con ra khỏi nhà theo quy định pháp luật.
Con hư hỏng có bị truất quyền thừa kế được không?
Chào anh chị! Tôi có thắc mắc rất mong nhận được giải đáp tư vấn từ anh chị như sau: Chị Hạnh và anh Huy kết hôn năm 2000. 1 tháng sau đám cưới, anh Huy mất, do đó, anh chị chưa làm giấy đăng ký kết hôn. Chị Hạnh có một đứa con trai với chồng. Anh Huy mất để lại một mảnh đất (do gia đình cho). Năm 2001, chị Hạnh làm đơn xin nhận thừa kế và gia đình chồng chấp nhận, chuyển nhượng mảnh đất đó cho chị Hạnh đứng tên (đã công chứng, chứng thực) Nay, con chị Hạnh đã 18 tuổi nhưng hư hỏng. Vậy chị Hạnh không muốn cho con quản lý và thừa kế mảnh đất đó được không? Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Theo Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về đăng ký kết hôn như sau:
1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.
Vì chị Hạnh và anh Huy chưa đăng ký kết hôn nên hai người chưa được xem là vợ chồng và người con trai là con ngoài giá thú. Đồng thời vì khi mất, anh Huy chưa làm thủ tục nhận con nên quan hệ cha-con chưa hình thành giữa anh và người con trai này.
Xét về mảnh đất: mảnh đất này là do gia đình chồng chuyển nhượng cho chị Hạnh đứng tên nên đây sẽ là tài sản tặng cho theo quy định tại Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015:
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
Do đó, mảnh đất này là tài sản riêng của chị Hạnh. Chị hoàn toàn có quyền định đoạt mảnh đất đó như bán hoặc để thừa kế cho ai chị muốn bằng cách lập di chúc. Chị còn có thể truất quyền hưởng thừa kế của một số người thừa kế theo pháp luật (vợ, chồng, con cái,…) mà không cần nêu lý do. Chị có thể chỉ định một hay nhiều người thừa kế theo pháp luật không được hưởng di sản thừa kế của mình.
Như vậy, khi chị Hạnh có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp với mảnh đất và mảnh đất tài tài sản riêng chủa chị thì chị có quyền không cho người con trai quản lý và hưởng thừa kế mảnh đất đó.
Mẹ tặng nhà cho con gái thì con rể có được đứng tên chung không?
Sau khi kết hôn, thì mẹ vợ tôi có ý cho vợ tôi 01 căn hộ chung cư, do tôi nghĩ phần này sẽ là tài sản chung của vợ chồng, nên định là cùng vợ đứng tên, nhưng sau khi trao đổi với người bạn của tôi thì cậu ấy bảo đây là phần tài sản mà mẹ vợ muốn tặng riêng cho con gái tức là vợ tôi thì chỉ vợ tôi mới được đứng tên và đây xác định là tài sản riêng của vợ, nên tôi không được đứng tên chung, cho tôi hỏi có đúng như thế không?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định tài sản riêng của vợ, chồng như sau:
- Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Như vậy, trong trường hợp mẹ vợ muốn tặng cho riêng vợ bạn thì chỉ mình vợ bạn được đứng tên, và phần tài sản này sẽ được xác định là tài sản riêng của vợ bạn chứ không phải là tài sản chung (trừ khi cô ấy đồng ý nhập căn nhà đó vào tài sản chung của vợ chồng và để chồng đứng tên chung). Do đó, vợ bạn sẽ có toàn quyền hiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng mà bạn không được can thiệp.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?