Quy định về phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý là gì?
Quy định về phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý
Căn cứ Điều 7 Thông tư 06/2021/TT-BNNPTNT quy định về phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật như sau:
Đơn vị chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật lựa chọn một hoặc các phương pháp dưới đây:
1. Phương pháp thống kê, tổng hợp
Căn cứ số liệu thống kê hằng năm hoặc trong các kỳ báo cáo (số liệu thống kê phải đảm bảo độ tin cậy, tính pháp lý trong thời gian ba năm liên tục trước thời điểm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật) và dựa vào kinh nghiệm thực tế hoặc các thông số so sánh để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
2. Phương pháp so sánh
Căn cứ vào các định mức của công việc, sản phẩm tương đương đã thực hiện trong thực tế để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
3. Phương pháp tiêu chuẩn
Căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy định của nhà nước về thời gian lao động, chế độ nghỉ ngơi, mức tiêu hao máy móc, thiết bị để xây dựng định mức lao động, định mức máy móc, thiết bị cho từng công việc hoặc nhóm công việc.
4. Phương pháp phân tích thực nghiệm
Căn cứ kết quả triển khai khảo sát, thực nghiệm theo từng quy trình, nội dung công việc để phân tích, tính toán từng yếu tố cấu thành định mức (lựa chọn những công việc không xác định được qua ba phương pháp trên hoặc xác định được nhưng chưa chính xác mà cần phải kiểm nghiệm thực tế).
Quy định thành phần định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 06/2021/TT-BNNPTNT về thành phần định mức kinh tế - kỹ thuật như sau:
Thành phần định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm:
1. Định mức lao động
Định mức lao động = Định mức lao động trực tiếp + Định mức lao động gián tiếp, trong đó:
a) Định mức lao động trực tiếp là hao phí lao động (quy đổi ra ngày công) hoàn thành một đơn vị sản phẩm, dịch vụ công;
b) Định mức lao động gián tiếp là định mức lao động quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ.
2. Định mức vật tư
Nội dung định mức vật tư xây dựng gồm:
a) Xác định danh mục, chủng loại vật tư, vật liệu cần thiết để hoàn thành theo từng nội dung công việc tạo ra một đơn vị sản phẩm, dịch vụ công;
b) Xác định số lượng/khối lượng theo từng loại vật tư, căn cứ vào chủng loại thiết bị, thời gian máy chạy có tải (tiêu hao vật tư);
c) Xác định tỷ lệ (%) thu hồi vật tư, căn cứ vào đặc điểm, tính chất của vật tư để tính tỷ lệ (%) thu hồi;
d) Xác định yêu cầu kỹ thuật cơ bản của vật tư, mô tả thông số kỹ thuật của từng loại vật tư phù hợp để thực hiện một sản phẩm, dịch vụ công.
3. Định mức máy móc, thiết bị
Định mức máy móc, thiết bị là thời gian cần thiết đối với từng loại máy móc, thiết bị để hoàn thành việc thực hiện một sản phẩm, dịch vụ công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành, trong đó:
a) Xác định danh mục, chủng loại máy móc, thiết bị;
b) Xác định thông số kỹ thuật cơ bản của máy móc, thiết bị;
c) Xác định thời gian sử dụng từng chủng loại máy móc, thiết bị: thời gian máy chạy có tải (tiêu hao vật tư, điện năng, nhiên liệu trong thời gian sử dụng); thời gian máy chạy không tải (không tiêu hao vật tư).
4. Định mức khác (nếu có).
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?