Trường hợp nào thì Tòa án sẽ được trả lại đơn khởi kiện vụ án hành chính?
Trường hợp nào thì Tòa án được trả lại đơn khởi kiện vụ án hành chính?
Tôi tham gia vụ án hành chính với tư cách Nguyên đơn. Tôi đã nộp đơn khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền nhưng do sai sót tôi đã không ghi tên Tòa án nơi nhận đơn khởi kiện. Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện cho tôi vì lý do thiếu sót đó. Xin hỏi, Tòa làm như vậy có đúng không?
Trả lời: Căn cứ vào Khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về những trường hợp Tòa án nơi thụ lý được quyền trả lại đơn khởi kiện như sau:
- Người khởi kiện không có quyền khởi kiện;
- Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ;
- Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;
- Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
- Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;
- Người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật này;
- Đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này mà không được người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 122 của Luật này;
Như vậy, trường hợp của bạn không thỏa bất cứ điều kiện nào của quy định trên. Do đó có thể xác định việc tòa trả lại đơn khởi kiện của bạn vì lý do thiếu tên tòa án thụ lý là không đúng với quy định của pháp luật. Đồng thời căn cứ vào Khoản 1 Điều 118 và Khoản 1 Điều 122 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về các trường hợp tòa phải yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung như sau:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính;
c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
d) Nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính;
đ) Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có);
e) Yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết;
g) Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Sau khi nhận được đơn khởi kiện, nếu thấy đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản và nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người khởi kiện nhận được thông báo của Tòa án.
Nhận thấy tòa đã làm sai thủ tục tố tụng, bạn cần phải liên hệ với tòa để xác định đúng quyền lợi của mình và yêu cầu tòa cho phép bạn thực hiện quyền được sửa đổi, bổ sung theo quy định của pháp luật.
Quyền khởi kiện vụ án hành chính của chủ DN tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân A hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, có Giám đốc là ông Y và chủ doanh nghiệp là ông X. Do vi phạm hành chính trong việc chậm nộp thuế xuất nhập khẩu, Cục hải quan thành phố X đã ra quyết định truy thu thuế và xử phạt việc chậm nộp thuế. Không đồng ý quyết định xử phạt trên, công ty đã khởi kiện vụ án hành chính tại tòa có thẩm quyền thụ lý. Xin hỏi ai là người có quyền khởi kiện quyết định này? Nếu ông X có quyền khởi kiện, liệu ông có thể khởi kiện dưới tư cách pháp lý là cá nhân khởi kiện?
Trả lời: Dựa vào nội dung bạn đã cung cấp căn cứ Khoản 1 Điều 115 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về quyền khởi kiện như sau: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó.
Như vậy, Ông X là người có quyền khởi kiện vụ án hành chính nêu trên với tư cách cá nhân. Mặc dù đối tượng khởi kiện là quyết định xử phạt đối với Doanh nghiệp tư nhân A, nhưng quyền lợi và nghĩa vụ của Doanh nghiệp A đều gắn liền với ông X theo quy định của luật. Do đó, ông X là người có quyền khởi kiện trong trường hợp này.
Trong trường hợp ông X ủy quyền cho ông Y là Giám đốc đứng ra khởi kiện thì Nguyên đơn sẽ là Doanh nghiệp tư nhân A cùng ông Y là người đại diện theo pháp luật.
Thụ lý vụ án sau khi chậm nộp tạm ứng án phí trong vụ án hành chính
Tôi nộp đơn khởi kiện vụ án hành chính vào ngày 15/04/2018 và nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí vào ngày 25/04/2018. Nhưng do sơ sót không chú ý vào ngày 12/05/2018 tôi mới nộp ứng án phí, sau khi đã bị tòa trả lại đơn khởi kiện. Xin Ban biên tập tư vấn giúp tôi, vậy trong trường hợp của mình, tòa trả lại đơn khởi kiện có đúng? Sau khi nộp tạm ứng án phí, vụ án của tôi có được thụ lý? Nếu được thụ lý thì ngày khởi kiện sẽ tính ra sao?
Trả lời: Căn cứ Khoản 1 Điều 125 Luật Tố tụng hành chính 2015 có quy định: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai cho Tòa án.
Như vậy việc tòa trả lại đơn khởi kiện của bạn là hoàn toàn có căn cứ theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính 2015 như sau: Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 1 Điều 125 của Luật này mà người khởi kiện không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng.
Theo nội dung bạn nêu, việc tòa có tiếp tục thụ lý vụ án của bạn sau khi đã nộp án phí được quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 125 như sau:
Trường hợp sau khi Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện mới nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Thẩm phán yêu cầu họ nộp lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành thụ lý vụ án; trường hợp này ngày khởi kiện là ngày nộp lại đơn khởi kiện.
Nhận thấy, sau khi nộp tạm ứng án phí và biên lai cho tòa án thì bạn phải nộp lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành thụ lý vụ án. Ngày khởi kiện sẽ là ngày bạn nộp lại đơn khởi kiện.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tòa án nhân dân có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?