Được chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động làm thêm ngoài giờ?
Hết hạn hợp đồng lao động không mặc nhiên sẽ chấm dứt hợp đồng lao động không?
Cho tôi hỏi: Có phải theo pháp luật về lao động thì tất cả các trường hợp hết hạn hợp đồng lao động là mặc nhiên sẽ chấm dứt hợp đồng lao động đúng không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1 Điều 34 Bộ luật lao động 2019 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động:
Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
Dẫn chiếu đến Khoản 4 Điều 177 Bộ luật trên có trường hợp:
Phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.
Như vậy, nếu trường hợp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động như quy định trên thì không mặc nhiên chấm dứt hợp đồng lao động và ngược lại không thuộc trường hợp này thì về nguyên tắc sẽ mặc nhiên chấm dứt.
Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động làm thêm ngoài giờ không?
Công ty tôi tuyển dụng một nhân viên bộ phận kỹ thuật. Tuy nhiên, hơn 2 tháng nay nhân viên này làm việc không hiệu quả, thường xuyên bỏ bê công việc, được biết thì ngoài làm việc tại công ty thì nhân viên đó còn làm thêm ngoài giờ. Tôi muốn hỏi liệu chúng tôi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động làm thêm ngoài giờ như vậy không? Trong hợp đồng không đề cập.
Trả lời:
Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 36 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:
Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
Như vậy, trong hợp đồng hai bên không thỏa thuận trước về công việc làm ngoài này, nên bạn không thể áp dụng lý do họ làm thêm ngoài giờ để đơn phương chấm dứt. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có quyền này khi người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động.
Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có phải trả trợ cấp thôi việc?
Công ty em đang làm họ chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với em, hiện tại em đang làm thủ tục để khiếu nại. Trong trường hợp họ chấm dứt hợp đồng trái pháp luật mà em cũng không muốn làm nữa thì có được trả trợ cấp thôi việc không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 2 Điều 41 Bộ luật lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.
Như vậy, theo như bạn đề cập trong trường hợp người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật mà bạn cũng không muốn tiếp tục làm việc nữa thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc cho bạn theo quy định nêu trên.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ chỉ chịu thuế bảo vệ môi trường là giá nào?
- Lịch thi Violympic cấp huyện 2024 - 2025 chi tiết nhất? Còn mấy ngày nữa thi?
- Còn bao nhiêu ngày nữa tới mùng 2 Tết 2025? Lịch âm tháng 1 2025 có mấy ngày chủ nhật?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 12 âm lịch 2024, NLĐ được nghỉ Tết Dương lịch 2025 chưa?
- Tiền thưởng Tết 2025 của người lao động có tính đóng bảo hiểm xã hội không?