Được nhận thừa kế của cha, mẹ đẻ khi đã được cho làm con nuôi hay không?
Được nhận thừa kế của cha, mẹ đẻ khi đã được cho làm con nuôi không?
Nhờ Ban tư vấn hãy giải đáp giúp tôi vấn đề trên trong thời gian sớm nhất. Cụ thể tôi có thắc mắc như sau có được nhận thừa kế của cha, mẹ đẻ khi đã được cho làm con nuôi không? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban tư vấn. Chân thành cảm ơn Ban tư vấn rất nhiều!
Trả lời: Theo quy định tại Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015 thì người được cho làm con nuôi vừa có quyền nhận thừa kế của cha, mẹ nuôi vừa có quyền nhận thừa kế từ cha, mẹ đẻ.
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người thừa kế tại hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết được ưu tiên hưởng thừa kế.
Ngoài ra, nếu trong di chúc của cha mẹ đẻ có để lại di sản cho người con đã được nhận nuôi thì người này hoàn toàn được hưởng phần di sản do cha mẹ đẻ để lại. Bởi để lại di sản cho ai là quyền của người lập di chúc theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015.
Như vậy dù là được cho làm con nuôi thì vẫn được hưởng thừa kế từ cha, mẹ đẻ.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Có bắt buộc phải để lại di chúc thừa kế cho con không?
Các con tôi hiện tại cũng đã có cuộc sống ổn định, tài sản tiền bạc cũng có nhiều. Do đó khi tôi mất tôi không muốn để lại tài sản của mình cho con mà tôi muốn đem khối tài sản của mình đi làm từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Vậy Ban tư vấn cho tôi hỏi có bắt buộc phải để lại di chúc thừa kế cho con không? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban tư vấn. Chân thành cảm ơn!
Trả lời: Theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
Người lập di chúc có quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Theo quy định trên đây thì khi lập di chúc bác có quyền để lại di sản thừa kế cho bất cứ ai mà mình muốn. Pháp luật không bắt buộc là phải để lại di chúc thừa kế cho con của mình. Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế. Do đó khi lập di chúc bác có quyền đem phần di sản của mình để làm từ thiện.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bác.
Người mất tích có được hưởng tài sản thừa kế không?
Tôi muốn hỏi vấn đề sau đây: Cha tôi mất đi không để lại di chúc, trong gia đình có một người em ruột đi biền biệt mấy năm không về nên đã nhờ Tòa tuyên nó mất tích cách đây 1 năm. Vậy khi cha tôi mất, người em này có được hưởng tài sản mà cha tôi để lại hay không?
Trả lời: Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì trường hợp người chết không để lại di chúc thì tài sản sẽ được chia theo pháp luật. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Trong đó, hàng thừa kế được xác định cụ thể như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy: Trường hợp người em bị Tòa án tuyên bố mất tích là con ruột của cha bạn, người em này được xác định là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đối với phần di sản mà cha bạn để lại sau khi chết. Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 thì người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 68 Bộ luật dân sự 2015 thì khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Và, theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 71 Bộ luật dân sự 2015 thì người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
Như vậy: Từ các dẫn chứng trên đây thì trường hợp cá nhân bị Tòa án tuyên bố mất tích vẫn được xác định là còn sống cho tới khi bị Tòa án tuyên bố là đã chết theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan sau 03 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích.
Do đó: Có thể xác định người bị Tòa án tuyên bố mất tích vẫn được xác định là còn sống và có quyền hưởng di sản thừa kế của người khác theo quy định của pháp luật.
Theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì em bạn chỉ mới bị Tòa tuyên bố mất tích cách đây 1 năm, nên em bạn vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế mà cha bạn để lại sau khi chết theo quy định của pháp luật.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đăng ký hành nghề công tác xã hội tại Việt Nam đối với người nước ngoài gồm những gì?
- Từ 01/01/2025, tiêu chuẩn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông là gì?
- Địa chỉ các Tòa án nhân dân cấp cao tại Việt Nam?
- 08 tính năng bắt buộc của ứng dụng Online Banking từ 1/1/2025?
- Hồ sơ thành lập cơ sở giáo dục mầm non độc lập công lập bao gồm gì?