Không nghỉ khám thai định kỳ được hưởng chế độ thai sản không?
1. Không nghỉ khám thai định kỳ thì có được hưởng chế độ thai sản?
Nếu trong thời gian thai kì mà không nghỉ khám thai thì có được hưởng chế độ thai sản không ạ? Vì thường em đi bệnh viện tư vào ngày chủ nhật để khám ạ.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 32 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì thời gian hưởng chế độ khi khám thai như sau:
1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
...
Theo quy định thì trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày. Thời gian nghỉ khám thai vẫn được chi trả 100% ngày lương đóng BHXH. Trong khi đó, người lao động hưởng chế độ thai sản khi có thời gian đóng BHXH đủ 06 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh.
Do đó, trong thời gian mang thai lao động nữ không nghỉ việc đi khám thai thì không ảnh hưởng đến điều kiện hưởng chế độ thai sản. Nếu có đủ thời gian tham gia BHXH thì vẫn nhận chế độ thai sản bình thường.
2. Ngày nghỉ khám thai được cộng thêm vào tổng ngày phép năm ở công ty?
Mình muốn tư vấn về chế độ ngày nghỉ cho lao động nữ mang thai. Lao động nữ khi mang thai được nghỉ 5 ngày để đi khám thai. Vậy 5 ngày này được cộng thêm vào tổng ngày phép năm ở công ty để được hưởng nghỉ luôn hay phải làm hồ sơ lên BHXH để hưởng theo chế độ khám thai. Mình cảm ơn.
Trả lời:
Theo Điều 32 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Về mức hưởng chế độ thai sản khi nghỉ việc đi khám thai được quy định tại Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Theo Điều 113 Bộ luật lao động 2019 quy định về nghỉ hằng năm như sau:
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
...
Như vậy, trong thời gian mang thai, người lao động được nghỉ để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày làm việc (không tính ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần).
Cần lưu ý khác với nghỉ phép năm thì chế độ nghỉ khám thai sẽ do BHXH chi trả và phải làm hồ sơ gửi cơ quan BHXH giải quyết chế độ.
3. Nghỉ việc thì có được hưởng chế độ thai sản khi sinh con không?
Em dự sinh vào tháng 1/2022, em làm xong hết tháng 8 này nghỉ việc luôn thì có được hưởng Chế độ thai sản không ạ? Em nghỉ khi mới mang thai có 5 tháng thì có ảnh hưởng gì không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con như sau:
Đối với trường hợp lao động nữ sinh con thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì mới đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Ở đây chị không đề cấp đến thời gian đóng BHXH cho nên chưa thể xác định được chị có đủ điều kiện hưởng chế độ hay không. Theo đó, nếu chị dự sinh vào tháng 1/2022 thì từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2021 chị phải đóng đủ ít nhất 06 tháng BHXH thì chị sẽ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh.
Chị vui lòng đối chiếu trường hợp của mình để biết thêm thông tin.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Bài dự thi Gửi tương lai xanh 2050 dành cho học sinh THCS?
- Mẫu bảng thống kê phân loại thửa đất và hướng dẫn cách ghi theo Thông tư 25?
- Đại hội thành viên bất thường của Hợp tác xã được triệu tập trong trường hợp nào?
- Trường hợp nào cho cá nhân thuê đất cần văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh?
- Mức lương viên chức loại C hiện nay là bao nhiêu?