Người lao động trong một năm được nghỉ ốm đau bao nhiêu lần?
1. Một năm người lao động được nghỉ ốm bao nhiêu ngày?
Một năm người lao động được nghỉ ốm bao nhiêu ngày? Tôi tên là Hoài Xuân, hiện đang làm kế toán tại công ty TNHH MTV XTV, có vấn đề thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn. Tôi năm nay đã 45 tuổi, làm việc tại công ty cũng đã 20 năm, đóng bảo hiểm xã hội ngay từ khi ký hợp đồng lao động với công ty. Do tuổi đã cao, thêm chứng đau khớp nên cứ trời trở lạnh là tôi lại bị đau, không đi làm nổi. Vì vậy, tôi thường xuyên xin công ty cho nghỉ ốm, có khi một tháng tôi nghỉ hết 6-7 ngày. Nghỉ nhiều như vậy, tôi rất lo lắng, không biết có bị gì không? Pháp luật hiện hành cho phép người lao động được nghỉ ốm tối đa bao nhiêu ngày? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp các thắc mắc trên của tôi. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Số ngày nghỉ ốm tối đa của người lao động trong một năm tùy thuộc vào số năm làm việc và thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Với trường hợp của bạn, bạn được nghỉ ốm tối đa là 40 ngày/năm (tính cả ngày nghỉ, lễ, tết...). Ban biên tập xin cung cấp căn cứ pháp lý cụ thể cho bạn được hiểu như sau:
Khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các Điểm a, b, c, d và h Khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần, cụ thể:
- Làm việc trong điều kiện bình thường được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
- Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
- Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
+ Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
+ Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thời gian nghỉ ốm tối đa của người lao động. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội 2014 để hiểu rõ quy định này.
2. Trường hợp NLĐ nghỉ ốm nhưng không được hưởng chế độ ốm đau?
Chồng tôi làm công nhân, vì nhậu say mà bị trúng phong nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội không chịu chi trả tiền trợ cấp ốm đau cho chồng tôi. Cho tôi hỏi: Trường hợp nào người lao động nghỉ ốm nhưng không được hưởng chế độ ốm đau? Chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Căn cứ Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về điều kiện hưởng chế độ ốm đau quy định như sau:
- Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
- Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Như vậy, trong trường hợp người lao động tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy thì sẽ không được bảo hiểm xã hội trả trợ cấp.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trường hợp người lao động nghỉ ốm nhưng không được hưởng chế độ ốm đau. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội 2014 để nắm rõ quy định này.
3. Chế độ ốm đau theo luật bảo hiểm xã hội
Tôi là viên chức nhà nước. Vừa qua tôi bị ốm phải điều trị tại bệnh viện từ ngày 02/11/2015 đến ngày 30/12/2015 với căn bệnh giấy ra viện ghi là viêm da cơ địa và thoái khớp, ngoài ra bác sỹ còn cho tội nghỉ làm việc thêm 04 ngày. Xin hỏi Luật sư Tôi được hưởng chế độ ốm đau theo bảo hiểm như thế nào? 04 ngày nghỉ bác sỹ cho có được hưởng chế độ bảo hiểm không? Cách tính thế nào, căn cứ vào văn bản nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 24 và Khoản 1 Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội 2014:
“Điều 24. Đối tượng áp dụng chế độ ốm đau
Đối tượng áp dụng chế độ ốm đau là người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này.
Điều 25. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau
1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.”
Bác là viên chức nhà nước và bác nằm viện có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Như vậy bác thuộc đối tượng áp dụng chế độ ốm đau và được hưởng chế độ ốm đau.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội:
“Điều 26. Thời gian hưởng chế độ ốm đau
2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;”
Bác nằm viện từ ngày 02/11/2015 đến 30/12/2015 với căn bệnh: viêm da cơ địa + Thoái khớp, ngoài ra bác sĩ còn cho bác nghỉ làm việc thêm 04 ngày. Theo danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày Bộ y tế ban hành kèm thông tư 34/2013/TT-BYT thì bệnh của bác nằm trong danh mục cần chữa trị dài ngày.
Theo như quy định trên, bác được hưởng chế độ ốm đau cho thời gian nằm viện đó với thời gian từ ngày 02/11/2015 đến 30/12/2015 tính cả ngày ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ hàng tuần và được hưởng mức bảo hiểm theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 28 Luật bảo hiểm xã hội:
“Điều 28. Mức hưởng chế độ ốm đau
1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
4. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.”
Theo quy định tại Điều 29 Luật bảo hiểm xã hội:
“Điều 29. Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi ốm đau
1. Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khoẻ chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;
b) Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khoẻ chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;
c) Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.
3. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.”
Theo quy định trên thì 04 ngày bác sĩ cho nghỉ thêm là 04 ngày dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau và bác được hưởng 30% mức lương cơ sở/ 01 ngày nghỉ thêm đó.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?