Thế nào là dân quân tự vệ nòng cốt? Độ tuổi, thời hạn tham gia Dân quân tự vệ?
1. Thế nào là dân quân tự vệ nòng cốt?
Dân quân tự vệ nòng cốt là gì ạ, có văn bản nào quy định cụ thể không ạ?
Trả lời:
Trước đây, tại Luật dân quân tự vệ năm 2009 thì dân quân tự vệ gồm dân quân tự vệ nòng cốt và dân quân tự vệ rộng rãi. Và dân quân tự vệ nòng cốt là lực lượng gồm những công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, được tuyển chọn vào phục vụ có thời hạn trong các đơn vị dân quân tự vệ. Và dân quân tự vệ nòng cốt gồm có:
- Dân quân tự vệ cơ động;
- Dân quân tự vệ tại chỗ;
- Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, công binh, trinh sát, thông tin, phòng hóa, y tế.
Tuy nhiên, tại Luật Dân quân tự vệ 2019 thì không còn "dân quân tự vệ nòng cốt" mà chỉ còn dân quân tự vệ và bỏ cụm từ "nòng cốt". Theo đó, thành phần của Dân quân tự vệ, bao gồm:
- Dân quân tự vệ tại chỗ.
- Dân quân tự vệ cơ động.
- Dân quân thường trực.
- Dân quân tự vệ biển.
- Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế.
Và dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.
2. Độ tuổi, thời hạn tham gia Dân quân tự vệ?
Cho em hỏi, độ tuổi tham gia dân quân tự vệ là bao nhiêu tuổi? Và nếu em tham gia dân quân tự vệ thì sẽ thực hiện nghĩa vụ bao nhiêu năm?
Trả lời:
Theo Điều 8 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định về độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình, cụ thể như sau:
1. Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.
2. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm; dân quân thường trực là 02 năm.
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được kéo dài nhưng không quá 02 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định kéo dài độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quy định tại Điều này.
Như vậy:
- Về độ tuổi tham gia Dân quân tự vệ:
Theo quy định nêu trên thì độ tuổi tham gia dân quân tự vệ bị giới hạn độ tuổi. Cụ thể đối với nam là 45, 40 đối với nữ nếu tham gia theo nghĩa vụ. Còn nếu tự nguyện tham gia thì hết 50 tuổi đối với nam hết 45 tuổi đối với nữ.
- Về thời gian tham gia Dân quân tự vệ:
+ Dân quân tự vệ tại chỗ: 04 năm;
+ Dân quân tự vệ cơ động: 04 năm;
+ Dân quân tự vệ biển: 04 năm;
+ Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế: 04 năm;
+ Dân quân thường trực: 02 năm.
3. Đăng ký tham gia Dân quân tự vệ như thế nào?
Em muốn đăng ký tham gia đi dân quân tự vệ, không biết phải đăng ký như thế nào vậy ạ? Có quy định cụ thể không ạ?
Trả lời:
Tại Khoản 1 Điều 9 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định về việc đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được quy định như sau:
- Tháng 4 hằng năm, căn cứ kết quả đăng ký nghĩa vụ quân sự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đăng ký cho công dân đủ 18 tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; tổ chức đăng ký bổ sung cho công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;
- Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ khi thay đổi nơi cư trú đến đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm đăng ký cho công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
Trường hợp thay đổi nơi làm việc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đăng ký cho công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;
- Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần theo quy định của pháp luật được miễn đăng ký nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?