Thủ tục lập di chúc và mở thừa kế
1) Cụ N muốn lập di chúc tặng cho toàn bộ khối tài sản gồm nhà và đất của cụ cho một người cháu như vậy có hợp pháp không?
Khi Cụ ông mất không để lại di chúc, như vậy phần di sản mà cụ ông để lại sẽ được chia theo pháp luật. Theo đó, cụ bà được hưởng ½ khối tài sản chung và ½ tài sản còn lại được chia đều làm 6 phần cho 5 người con và cụ bà.
Người con bỏ đi 20 năm thì có 2 trường hợp xảy ra:
- Nếu Tòa án có tuyên bố người con đó đã chết trước hoặc cũng thời điểm với cụ ông thì con của người con (cháu) đó được hưởng phần di sản mà đáng lẽ người con ấy được hưởng. Nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng thời điểm với Cụ ông thì chắt được hưởng phần di sản đấy nếu còn sống. Nếu người con ấy không có con thì sẽ không được hưởng di sản của cụ ông.
- Nếu Tòa án có tuyên bố người con đó chết sau khi Cụ ông chết thì vào thời điểm mở thừa kế (thời điểm cụ ông chết) người con ấy vẫn được hưởng phần di sản như những người con khác. Cho đến khi có tuyên bố là đã chết của Tòa án thì phần di sản mà người con đã thừa kế được để lại thừa kế cho mẹ và những người con khác theo quy định của pháp luật.
Với trường hợp, ông cụ mất đã hơn 20 năm thì theo Điều 645 BLDS thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là không còn (thời hiệu này là 10 năm kể từ thời điểm người có di sản chết).
Tuy nhiên mục 2.4 Chương I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP có quy định về trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp: “Trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
a.1. Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thỏa thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc và khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
a.2. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thỏa thuận của họ.
a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng thì khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung”.
Theo những quy định trên thì khi các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các đồng thừa kế. Trong trường hợp này không có di chúc nên nếu các bên không tự thỏa thuận được về phần di sản mà mình được hưởng thì chia tài sản chung theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong khối tài sản chung của vợ chồng cụ N là một ngôi nhà cấp 4 và quyền sử dụng 150m2 đất thì bà cụ N được ½ tài sản chung ấy và 1/6 khối tài sản còn lại. Nếu sau đó người con trai của bà cụ N mất và người con mất tích bị tuyên bố đã chết (đều không có người thừa kế thế vị) thì phần di sản của 2 người này sẽ được chia đều cho bà cụ N và 3 người con còn lại.
Điều 631 BLDS có quy định: “cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”
Điều 646 BLDS cũng có quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”
Điều 648 BLDS có quy định một trong những quyền của người lập di chúc là “chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế”
Theo đó cụ N muốn lập di chúc tặng cho tài sản của cụ cho một người cháu thì việc lập di chúc tặng cho của cụ là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên di sản tặng cho của cụ chỉ bao gồm những tài sản mà cụ được thừa kế từ chồng và các con trai, con gái đã mất chứ không phải toàn bộ tài sản hiện cụ đang chiếm hữu (một ngôi nhà cấp 4 và quyền sử dụng 150m2 đất).
2) Thời điểm mở thừa kế các con của cụ có quyền khiếu nại đòi hỏi quyền lợi gì không?
Điều 667 BLDS quy định: “Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế”. Do đó nếu cụ N đã lập di chúc tặng cho toàn bộ tài sản cho người cháu của mình thì từ thời điểm cụ N chết, di chúc có hiệu lực và các con của cụ N không có quyền đòi hỏi quyền lợi gì từ khối di sản thuộc về quyền sở hữu của cụ bà N.
Các con của bà cụ N có thể khởi kiện để Tòa án chia phần di sản mà họ được hưởng sau khi ông cụ, con trai duy nhất của 2 ông bà mất và người cô đã mất tích hơn 20 năm với điều kiện “các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các đồng thừa kế” và được chia theo pháp luật.
Tuy nhiên pháp luật cũng có quy định hai trường hợp người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc tại điều 669 BLDS như sau:
“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền được hưởng di sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 643 của BLDS:
Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.”
Do bạn không nói rõ về 3 người con còn lại của cụ N nên chúng tôi không thể xác định chính xác những người con đó có thể đòi hỏi quyền lợi hay không?
3) Việc lập di chúc như trên có thể tiến hành ở UBND xã, phường được hay không?
Việc lập di chúc có thể bằng văn bản hoặc bằng miệng (điều 649 BLDS 2005.)
Di chúc bằng miệng chỉ được lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản (điều 651 BLDS). Nhưng di chúc bằng miệng chỉ được coi là hợp pháp khi có ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực (Điều 652 BLDS).
Di chúc bằng văn bản có thể có hoặc không có người làm chứng, hoặc có công chứng (tại cơ quan công chứng) hoặc có chứng thực (tại UBND xã, phường, thị trấn). Như vậy việc lập di chúc như trên có thể tiến hành ở UBND xã, phường, thị trấn đối với di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Trên đây là những gợi ý mang tính chất tham khảo của chúng tôi để Quý khách có phương hướng giải quyết vấn đề đang gặp phải.
Trân trọng cảm ơn!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Thời hạn thanh tra kiểm tra về giá, thẩm định giá là bao lâu?
- Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là gì? Không ký hợp đồng đào tạo với người học nghề bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Danh sách 56 đơn vị hành chính cấp xã mới của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025?
- Ngày 25 tháng 11 âm là ngày bao nhiêu dương 2024? Người lao động được nghỉ hưởng lương vào ngày này không?