Xâm phạm mồ mả phải bồi thường bao nhiêu?

Tôi là chủ nông trại. Trong một lần chăn trâu, tôi lỡ để trâu tràn vào đất nhà ông An khiến cho một của mẹ ông bị hư hại toàn bộ phần xây dựng. Ông An yêu cầu tôi bồi thường 300 triệu đồng với lý do mộ được xây dựng kiên cố và tốn rất nhiều tiền đồng thời mồ mả mẹ ông bị xâm phạm nên ảnh hưởng con cháu. Xin hỏi, tôi có phải bồi thường cho ông An không vì trâu của tôi gây ra thiệt hại chứ tôi không cố ý? Nếu phải bồi thường, tôi có phải bồi thường 300 triệu không vì tôi thấy yêu cầu của ông An rất bất hợp lý?

Căn cứ Điều 603 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:

1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Do bạn là người chủ sở hữu của đàn trâu nên bạn phải có trách nhiệm bồi thường khi đàn trâu gây ra thiệt hại.

Đồng thời căn cứ Điều 606 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả như sau:

1. Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.

2. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

3. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, ông An là hàng thừa kế thứ nhất của mẹ ông nên ông có quyền yêu cầu bạn bồi thường thiệt hại đối với mồ mả của mẹ ông.

Về mức bồi thường theo luật quy định bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại và bù đắp tổn thất về tinh thần. Nguyên tắc xác định mức bồi thường dựa trên thỏa thuận. Nếu không thể thỏa thuận thì bạn có thể khởi kiện tại tòa án yêu cầu xác định lại mức bồi thường. Khi đó mức bồi thường chi phí để khắc phục thiệt hại sẽ được căn cứ trên chi phí xây dựng thực tế, còn mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần được giới hạn ở mức 10 lần mức lương cơ sở theo thời điểm giải quyết vụ việc.

Trên đây là nội dung tư vấn.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào