Có phải đóng BHXH trong thời gian phải ngừng việc?
Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật lao động 2012 thì trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
- Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;
- Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
- Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 6 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì trong thời gian người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và người sử dụng lao động thực hiện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.
Như vậy, Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì có thể xác định như sau:
Thứ nhất: Trường hợp người lao động phải nghỉ việc do lỗi của người sử dụng lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho người lao động đối với thời gian người lao động phải ngừng việc.
Khi đó, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.
Thứ hai: Trường hợp người lao động phải nghỉ việc do lỗi của người lao động thì có hai trường hợp xảy ra như sau:
- Người lao động gây ra lỗi thì không được trả lương. Khi đó, người sử dụng lao động và người lao động đó có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định.
- Những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Khi đó, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.
Thứ ba: Trường hợp người lao động phải ngừng việc do sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động, hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác hoặc vì lý do kinh tế, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương cho người lao động đối với thời gian người lao động phải ngừng việc, tiền lương do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Khi đó, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.
Do đó: Đối với trường hợp công ty của bạn có sự cố về điện dẫn đến cả dây chuyền sản xuất phải đình trệ, công nhân phải ngừng việc tập thể. Sau đó được xác định là do bị chập điện mà không phải do lỗi của công nhân hay công ty.
Nên công ty có trách nhiệm phải trả lương đối với thời gian công nhân phải ngừng việc chờ sửa chữa. Mức lương do công ty và công nhân thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Khi đó, công ty và công nhân phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ chỉ chịu thuế bảo vệ môi trường là giá nào?
- Lịch thi Violympic cấp huyện 2024 - 2025 chi tiết nhất? Còn mấy ngày nữa thi?
- Còn bao nhiêu ngày nữa tới mùng 2 Tết 2025? Lịch âm tháng 1 2025 có mấy ngày chủ nhật?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 12 âm lịch 2024, NLĐ được nghỉ Tết Dương lịch 2025 chưa?
- Tiền thưởng Tết 2025 của người lao động có tính đóng bảo hiểm xã hội không?