Phao bè cứu sinh tự bơm hơi trên tàu biển được quy định ra sao?
Phao bè cứu sinh tự bơm hơi trên tàu biển được quy định tại Tiểu mục 2.6.2 Mục II Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 42:2015/BGTVT về Trang bị an toàn tàu biển, cụ thể như sau:
1 Phao bè cứu sinh bơm hơi phải thỏa mãn các yêu cầu của 2.6.8 và ngoài ra phải thỏa mãn các yêu cầu của Mục này.
2 Kết cấu của phao bè cứu sinh tự bơm hơi
(1) Khoang tạo sức nổi chính phải chia thành ít nhất hai ngăn riêng biệt, mỗi ngăn này được bơm hơi qua một van bơm hơi một chiều trên mỗi ngăn đó. Các khoang tạo sức nổi phải bố trí sao cho trong trường hợp một ngăn bất kỳ bị hư hỏng hoặc không thể bơm hơi được, thì các ngăn không bị hư hỏng vẫn có đủ khả năng nâng được số người mà phao bè cứu sinh đó được phép chở, mỗi người nặng 82,5 kg và ngồi ở các vị trí bình thường của họ với mạn khô tương đương trên toàn bộ chu vi bè;
(2) Sàn của phao bè cứu sinh phải không thấm nước và phải có khả năng cách nhiệt đủ để chống lạnh hoặc:
(a) Bằng một hoặc nhiều ngăn mà những người trên bè có thể bơm lên được, hoặc tự động bơm hơi và có thể xả đi và bơm lại bởi những người trên bè;
(b) Bằng các biện pháp khác có hiệu quả tương đương mà không phụ thuộc vào việc bơm.
(3) Phao bè cứu sinh phải có khả năng bơm căng được bởi một người. Phao bè cứu sinh phải được bơm bằng loại khí không độc. Hệ thống bơm bao gồm cả van xả phải được lắp đặt phù hợp với 2.6.9-2(4). Việc bơm hơi bè phải được hoàn thành trong một phút ở nhiệt độ môi trường xung quanh khoảng 18 °C và 20 °C và trong 3 phút khi nhiệt độ môi trường xung quanh là -30 °C. Sau khi thổi căng, phao bè cứu sinh phải giữ được hình dáng của nó khi chở đủ số người và trang bị;
Các bình áp lực dùng cho hệ thống bơm hơi tự động phải được Đăng kiểm hoặc một cơ quan có thẩm quyền thẩm định.
(4) Mỗi ngăn tự bơm hơi phải có khả năng chịu được áp lực bằng ít nhất ba lần áp lực làm việc và phải được ngăn ngừa khỏi bị vượt quá áp lực lớn hơn 2 lần áp lực làm việc hoặc bằng van an toàn hoặc bằng việc cấp khí hạn chế. Phải có phương tiện để lắp đặt bơm hơi hoặc thiết bị thổi hơi như yêu cầu bởi 2.6.9-9(1) để có thể duy trì được áp lực làm việc.
3 Sức chở của phao bè cứu sinh tự bơm hơi
Số lượng người mà phao bè cứu sinh được phép chở phải bằng số nhỏ nhất trong các giá trị sau đây:
(1) Số nguyên lớn nhất nhận được khi chia thể tích bằng m3 của các buồng nổi chính khi đã thổi căng (không tính đến các vòm che, ghế băng, nếu có) cho 0,096;
(2) Số nguyên lớn nhất nhận được khi chia diện tích bằng m2 của mặt cắt theo phương ngang của bè đo từ mép trong cùng của các ống nối (áp dụng cho cách tính này có thể bao gồm cả một hoặc các ghế nếu có) cho 0,372; hoặc
(3) Số người có khối lượng trung bình 82,5 kg, tất cả đều mặc bộ quần áo bơi và phao áo, hoặc trường hợp là phao bè được hạ bằng cần hạ, chỉ mặc phao áo, có thể ngồi thoải mái và không bị vướng đầu và không làm ảnh hưởng đến việc vận hành của bất cứ thiết bị nào của bè.
4 Lối vào phao bè cứu sinh tự bơm hơi
(1) Tối thiểu một cửa vào phải được trang bị cầu mềm lên bè có khả năng đỡ được người nặng 100 kg, để mọi người có thể lên được phao bè cứu sinh từ biển. Cầu lên bè phải được bố trí sao cho bè không bị xẹp đáng kể nếu cầu đó hư hỏng. Trong trường hợp phao bè cứu sinh được hạ bằng cần có nhiều hơn một cửa vào, cầu lên bè phải bố trí tại cửa đối diện với các đai bám và các phương tiện đưa người xuống bè;
(2) Các cửa vào không được trang bị cầu lên bè thì phải có thang dây, bậc thấp nhất của thang dây phải bố trí thấp hơn đường nước không tải của phao bè cứu sinh một khoảng không nhỏ hơn 0,4 m;
(3) Phải có các phương tiện trong phao bè cứu sinh để trợ giúp người tự kéo họ lên phao bè cứu sinh từ thang dây.
5 Tính ổn định của phao bè cứu sinh tự bơm hơi
(1) Mỗi phao bè cứu sinh tự bơm hơi phải có kết cấu sao cho khi thổi căng và nổi với mái che ở phía trên, nó ổn định trên mặt biển;
(2) Tính ổn định của phao bè cứu sinh ở tư thế bị lật úp phải sao cho một người có thể lật bè lại khi ở trên biển và trong nước lặng;
(3) Tính ổn định của phao bè cứu sinh khi bè có đầy đủ trang thiết bị và người phải sao cho có thể kéo được nó với vận tốc đến 3 hải lý/giờ trong nước lặng;
(4) Phao bè cứu sinh được trang bị các túi nước phải thỏa mãn các yêu cầu dưới đây:
(a) Các túi nước phải có màu dễ nhận biết;
(b) Phải thiết kế sao cho các túi đựng được ít nhất 60% dung tích của chúng đã căng ra được trong thời gian 25 s;
(c) Các túi phải có tổng dung tích tối thiểu 220 lít đối với phao bè cứu sinh có sức chở đến 10 người;
(d) Những túi nước của những bè cho phép chở trên 10 người phải có tổng dung tích không nhỏ hơn 20 x N lít, trong đó N là số người được chở trên bè;
(e) Các túi được bố trí đối xứng nhau xung quanh chu vi phao bè cứu sinh. Phải có các phương tiện để đảm bảo khí dễ dàng thoát ra khỏi phần phía dưới của bè.
6 Các vỏ chứa phao bè cứu sinh tự bơm hơi
(1) Phao bè cứu sinh bơm hơi phải được đóng gói trong một vỏ chứa, vỏ này phải thỏa mãn các yêu cầu:
(a) Được kết cấu sao cho chịu được sự ăn mòn mạnh trong điều kiện bất kỳ có thể gặp ở trên biển;
(b) Có đủ tính nổi bản thân, khi chứa bè và thiết bị bên trong, để kéo dây giữ từ phía trong và tác động lên cơ cấu bơm bè nếu tàu bị chìm;
(c) Càng kín nước càng tốt, trừ đối với các lỗ thoát nước ở đáy vỏ.
(2) Phao bè phải có khả năng bơm hơi cho phao đứng thẳng lên khi phao bung ra một cách tự nhiên ở trong nước.
(3) Vỏ chứa phải được ghi:
(a) Tên nhà chế tạo hoặc nhãn hiệu thương mại;
(b) Số sê ri;
(c) Tên của cơ quan thẩm định và số người mà bè được phép chở;
(d) SOLAS (trừ những vỏ chứa những bè được trang bị phù hợp với 2.6.8-5(4));
(e) Kiểu đóng gói sự cố bên trong;
(f) Ngày bảo dưỡng gần nhất;
(g) Chiều dài của dây giữ;
(h) Khối lượng của phao bè sau khi đóng gói, nếu khối lượng đó lớn hơn 185 kg;
(i) Độ cao cất giữ lớn nhất cho phép từ đường nước (phụ thuộc vào độ cao thử rơi và chiều dài của dây giữ);
(j) Các chỉ dẫn hạ bè;
(k) Chủng loại hệ thống mắt xích yếu (nếu có) trong phao bè cứu sinh hoặc chỉ báo là không có bộ phận này.
7 Ghi chú trên phao bè cứu sinh tự bơm hơi
(1) Các bè phải được ghi:
(a) Tên nhà chế tạo hoặc nhãn hiệu thương mại;
(b) Số sê ri;
(c) Ngày chế tạo (tháng và năm);
(d) Tên của cơ quan thẩm định;
(e) Tên và địa chỉ của trạm bảo dưỡng thực hiện lần bảo dưỡng gần nhất;
(f) Số người được phép chở trên mỗi lối ra vào bè bằng chữ số có chiều cao không nhỏ hơn 100 mm và có màu tương phản với màu của phao bè cứu sinh.
(2) Phải có quy định đối với việc ghi chú trên mỗi phao bè cứu sinh về tên và cảng đăng ký của tàu bằng cách sao cho các thông tin trên có thể thay đổi bất kỳ thời điểm nào mà không cần mở vỏ ra.
8 Phao bè cứu sinh tự bơm hơi hạ bằng cần
(1) Ngoài việc thỏa mãn các yêu cầu nêu trên, phao bè cứu sinh được sử dụng với các thiết bị hạ được thẩm định, khi được treo lên móc nâng hoặc mắt tháo phải chịu được tải trọng bằng:
(a) 4 lần khối lượng toàn bộ số người và trang thiết bị của nó, ở nhiệt độ môi trường và nhiệt độ bè đã ổn định là 20 ± 3 °C với các van xả an toàn đều không hoạt động; và
(b) 1,1 lần khối lượng toàn bộ số người và trang bị của nó ở nhiệt độ môi trường và nhiệt độ bè đã ổn định là -30 °C với các van xả an toàn đều hoạt động.
(2) Các vỏ chứa cứng sử dụng cho các phao bè cứu sinh được hạ bằng thiết bị hạ phải được buộc chắc chắn sao cho vỏ chứa đó hoặc các thành phần của nó không bị rơi xuống biển trong quá trình và sau khi bơm hơi và hạ bè chứa trong vỏ chứa đó.
9 Trang bị bổ sung đối với phao bè cứu sinh tự bơm hơi
(1) Ngoài các thiết bị theo yêu cầu của 2.6.8-5, mỗi một phao bè cứu sinh tự bơm hơi phải trang bị bổ sung:
(a) Một bộ đồ sửa chữa để sửa chữa những lỗ thủng ở những ngăn tạo lực nổi;
(b) Một bơm hơi hoặc ống xếp thổi hơi.
(2) Các dao, hộp thiếc, bộ đồ mở đồ hộp theo yêu cầu của 2.6.8-5 phải là loại an toàn.
2.6.10 Các phao bè cứu sinh cứng
1 Các phao bè cứu sinh cứng phải thỏa mãn các yêu cầu của 2.6.8, ngoài ra còn phải thỏa mãn các yêu cầu của Mục này.
2 Kết cấu của phao bè cứu sinh cứng
(1) Sức nổi của phao bè cứu sinh cứng phải tạo bằng các vật liệu sẵn có tính nổi được thẩm định, vật liệu đó bố trí càng gần mép của bè càng tốt. Vật liệu nổi phải là vật liệu khó cháy hoặc được bảo vệ bằng lớp phủ khó cháy;
(2) Sàn của phao bè cứu sinh phải ngăn ngừa nước thấm và phải hỗ trợ hiệu quả cho những người trong bè không chạm vào nước và ngăn cho người trong bè khỏi bị lạnh.
3 Sức chở của phao bè cứu sinh cứng
Số lượng người mà phao bè cứu sinh cứng được phép chở phải bằng số nhỏ nhất trong các giá trị sau đây:
(1) Số nguyên lớn nhất nhận được khi lấy thể tích bằng m3 của vật liệu có tính nổi chia cho 0,096 rồi nhân với một hệ số bằng 1 trừ đi tỉ trọng riêng của vật liệu nổi đó; hoặc
(2) Số nguyên lớn nhất nhận được khi lấy diện tích mặt cắt theo phương ngang của sàn bè tính bằng m2 chia cho 0,372; hoặc
(3) Số người có khối lượng trung bình 82,5 kg, tất cả đều mặc bộ quần áo bơi và phao áo cứu sinh có thể ngồi thoải mái mà không bị vướng đầu và không làm ảnh hưởng đến sự vận hành bất kỳ thiết bị nào của bè.
4 Lối vào phao bè cứu sinh cứng
(1) Ít nhất một cửa vào phải được trang bị cầu lên bè để người từ dưới biển có thể lên bè được. Trong trường hợp phao bè cứu sinh hạ bằng cần có nhiều hơn một cửa vào, cầu lên bè phải được bố trí tại cửa vào đối diện với các dây bám kéo và các phương tiện đưa người xuống bè;
(2) Các cửa vào không được trang bị cầu lên bè phải được trang bị thang dây, bậc thang thấp nhất của thang dây phải thấp hơn đường nước không tải của bè một khoảng không nhỏ hơn 0,4 m;
(3) Bên trong bè phải có phương tiện để giúp cho người vào bè tự kéo mình vào bên trong bè từ thang dây.
5 Tính ổn định của phao bè cứu sinh cứng
(1) Trừ khi phao bè cứu sinh có khả năng hoạt động an toàn ở bất kể tư thế nào, độ bền và độ ổn định của bè phải sao cho bè hoặc là tự phục hồi cân bằng hoặc có thể dễ dàng được phục hồi cân bằng trên biển và trong nước lặng bằng một người;
(2) Tính ổn định của phao bè cứu sinh khi chở đầy đủ số người và trang thiết bị phải sao cho có thể kéo được nó trong nước lặng với vận tốc đến 3 hải lý/giờ.
6 Ghi kí hiệu trên phao bè cứu sinh cứng
Phao bè cứu sinh phải được ghi:
(1) Tên và cảng đăng ký của tàu chủ;
(2) Tên nhà chế tạo hoặc nhãn hiệu thương mại;
(3) Số sê ri;
(4) Tên của cơ quan thẩm định;
(5) Số người được phép trên bè ở mỗi lối ra vào bằng chữ số có chiều cao không nhỏ hơn 100 mm và các màu tương phản với màu của bè;
(6) SOLAS (trừ các bè trang bị thỏa mãn 2.6.8-5(4));
(7) Kiểu đóng gói sự cố bên trong;
(8) Chiều dài của dây giữ;
(9) Chiều cao cất giữ lớn nhất cho phép từ đường nước phụ thuộc vào độ cao thử rơi;
(10) Các chỉ dẫn hạ bè.
7 Phao bè cứu sinh cứng hạ bằng cần
Ngoài các yêu cầu ở trên, phao bè cứu sinh sử dụng thiết bị hạ đã được thẩm định còn phải chịu được tải trọng bằng 4 lần tổng khối lượng của đầy đủ số người và trang thiết bị khi treo trên móc nâng hoặc mắt tháo.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tàu biển có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Luật Khiếu nại mới nhất 2025 và các văn bản hướng dẫn thi hành?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Mức tiền thưởng huy hiệu 65 năm tuổi Đảng năm 2025 là bao nhiêu?
- Trộm cắp điện là gì? Hành vi trộm cắp điện bị xử phạt bao nhiêu tiền?