Đình chỉ vụ án hình sự khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố

​Trước đây, chồng tôi bị bắt vì hành vi cố ý gây thương tích, và phía bên bị hại có yêu cầu khởi tố đối với chồng tôi. Sau đó, chồng tôi đã bị Viện kiểm sát truy tố theo Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự. Nay Tòa án đã hẹn ngày xét xử nhưng người bị hại đã có đơn rút yêu cầu khởi tố. Các cơ quan nhà nước sẽ xử lý chồng tôi ra sao?

Thứ nhất, về việc người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố đối với chồng của bạn

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại:

“1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”

Trong trường hợp này, do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố, vụ án phải được đình chỉ, tức là Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa sẽ phải ra Quyết định đình chỉ vụ án hình sự đối với chồng của bạn.

Thứ hai, về Quyết định đình chỉ vụ án hình sự

Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Tố tụng hình sự về thời hạn chuẩn bị xét xử:

“1. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ; giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng và tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên tòa.

2. Trong thời hạn ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong những quyết định sau đây:

a) Đưa vụ án ra xét xử ;

b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá mười lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày.

Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn mười lăm ngày sau khi nhận lại hồ sơ, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.”

Vì tội danh mà chồng của bạn bị truy tố là tội phạm ít nghiêm trọng, do đó, thời gian để Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra Quyết định đình chỉ vụ án là không quá 45 ngày (đã tính trường hợp gia hạn).

Thứ ba, về hủy bỏ biện pháp tạm giam

Theo quy định tại Điều 177 Bộ luật tố tụng hình sự về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn:

“Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trừ việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án quyết định.

Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của Bộ luật này.

Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì Tòa án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.”

Theo điểm c Khoản 2 Mục I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP: “Huỷ bỏ biện pháp tạm giam là việc Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án theo đề nghị của Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo trong trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam, nhưng xét thấy không cần thiết tiếp tục tạm giam bị can, bị cáo và cũng không cần thiết áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.”

Sau khi Thẩm phán được phân công chủ toạn phiên tòa ra Quyết định đình chỉ vụ án hình sự đối với chồng của bạn, Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án theo đề nghị của Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa sẽ ra Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với chồng của bạn.

Sau khi đã có Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam, chồng của bạn có thể về với gia đình và xã hội.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
255 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào